Tỷ lệ an toàn vốn với ngân hàng thương mại từ ngày 15/9/2025

19/07/2025 15:10 PM

Nội dung bài viết là tỷ lệ an toàn vốn với ngân hàng thương mại từ ngày 15/9/2025 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.

Tỷ lệ an toàn vốn với ngân hàng thương mại từ ngày 15/9/2025

Tỷ lệ an toàn vốn với ngân hàng thương mại từ ngày 15/9/2025 (Hình từ Internet)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 14/2025/TT-NHNN ngày 30/6/2025 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tỷ lệ an toàn vốn với ngân hàng thương mại từ ngày 15/9/2025

Theo Điều 5 Thông tư 14/2025/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:

(1) Các tỷ lệ an toàn vốn được xác định như sau:

- Công thức xác định tỷ lệ vốn lõi cấp 1:

Tỷ lệ vốn lõi cấp 1

=

Vốn lõi cấp 1

RWA + 12,5 x (KOR + KMR)

- Công thức xác định tỷ lệ vốn cấp 1:

Tỷ lệ vốn cấp 1

=

Vốn cấp 1

RWA + 12,5 x (KOR + KMR)

- Công thức xác định tỷ lệ an toàn vốn:

Tỷ lệ an toàn vốn

=

Vốn tự có

RWA + 12,5 x (KOR + KMR)

Trong đó:

+ Vốn lõi cấp 1, vốn cấp 1, vốn tự có theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư 14/2025/TT-NHNN;

+ RWA: Tổng tài sản có rủi ro tín dụng (Risk weighted assets);

+ KOR: Vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động (Operational risk capital requirements);

+ KMR: Vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường (Market risk capital requirements).

(2) Ngân hàng phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn như sau:

- Ngân hàng thương mại không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ;

- Ngân hàng thương mại có công ty con phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất;

- Khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất:

(i) Trường hợp ngân hàng thương mại có công ty con là doanh nghiệp hoạt động theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng thương mại không hợp nhất công ty con này theo nguyên tắc hợp nhất của pháp luật về kế toán và báo cáo tài chính đối với tổ chức tín dụng;

(ii) Tổng tài sản có rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động, vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường được tính trên cơ sở số liệu của ngân hàng thương mại và công ty con của ngân hàng thương mại đó theo quy định tại Thông tư 14/2025/TT-NHNN. Trong đó, ngân hàng thương mại phải áp dụng phương pháp tiêu chuẩn để tính tài sản có rủi ro tín dụng của công ty con.

(3) Ngân hàng thương mại không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ sau đây:

- Tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu là 4,5%;

-  Tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu là 6%;

- Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%.

(4) Ngân hàng thương mại có công ty con phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất sau đây:

- Tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu là 4,5%;

- Tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu là 6%;

- Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%.

(5) Ngoài các tỷ lệ bắt buộc phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Thông tư 14/2025/TT-NHNN, ngân hàng thực hiện tỷ lệ bộ đệm bảo toàn vốn (Capital conservation buffer - CCB) theo quy định như sau:

- Tỷ lệ bộ đệm bảo toàn vốn (CCB) là phần tỷ lệ vốn lõi cấp 1 còn lại sau khi ngân hàng đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ an toàn vốn (bao gồm tỷ lệ vốn lõi cấp 1, tỷ lệ vốn cấp 1 và tỷ lệ an toàn vốn);

- Ngân hàng chỉ được phân chia phần lợi nhuận còn lại do ngân hàng tự quyết định theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính bằng tiền mặt khi duy trì việc đáp ứng toàn bộ các tỷ lệ theo các năm như sau:

Thời điểm
áp dụng từ

Tỷ lệ

Năm thứ nhất

Năm thứ hai

Năm thứ ba

Năm thứ tư trở đi

CCB

0,625%

1,25%

1,875%

2,5%

Vốn lõi cấp 1 (bao gồm CCB)

5,125%

5,75%

6,375%

7%

Vốn cấp 1 (bao gồm CCB)

6,625%

7,25%

7,875%

8,5%

CAR (bao gồm CCB)

8,625%

9,25%

9,875%

10,5%

Trong đó năm thứ nhất:

(i) Là năm ngân hàng bắt đầu áp dụng phương pháp tiêu chuẩn đã đăng ký theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư 14/2025/TT-NHNN;

(ii) Là năm ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 7 Thông tư 14/2025/TT-NHNN

(iii) Là năm 2030 đối với các trường hợp còn lại.

(6) Ngoài các tỷ lệ theo quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều 5 Thông tư 14/2025/TT-NHNN, ngân hàng thực hiện tỷ lệ bộ đệm vốn phản chu kỳ (Countercyclical capital buffer - CCyB) theo quy định như sau:

- Tỷ lệ bộ đệm vốn phản chu kỳ là phần tỷ lệ vốn lõi cấp 1 còn lại sau khi ngân hàng đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ an toàn vốn (bao gồm tỷ lệ vốn lõi cấp 1, tỷ lệ vốn cấp 1, tỷ lệ an toàn vốn và CCB (nếu có));

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định áp dụng tỷ lệ CCyB cụ thể trong khoảng từ 0% đến 2,5% khi cần thiết trong từng thời kỳ.

(7) Đối với các khoản mục bằng ngoại tệ và vàng, ngân hàng quy đổi sang đồng Việt Nam khi tính tỷ lệ an toàn vốn như sau:

- Thực hiện hạch toán trên các tài khoản ngoại tệ theo quy định của pháp luật về hệ thống tài khoản kế toán;

- Đối với rủi ro ngoại hối, tỷ giá quy đổi sang đồng Việt Nam được thực hiện như sau:

(i) Trường hợp ngày tính tỷ lệ an toàn vốn không phải là ngày làm việc cuối tháng, cuối quý, cuối năm, tỷ giá quy đổi sang đồng Việt Nam là tỷ giá hạch toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng;

(ii) Trường hợp ngày tính tỷ lệ an toàn vốn là ngày làm việc cuối tháng, cuối quý, cuối năm:

+ Đối với ngân hàng sử dụng đồng tiền hạch toán là đồng Việt Nam, tỷ giá quy đổi sang đồng Việt Nam là tỷ giá quy đổi khi lập Bảng cân đối tài khoản kế toán tháng, quý, năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng;

+ Đối với ngân hàng sử dụng đồng tiền hạch toán là ngoại tệ, tỷ giá quy đổi sang đồng Việt Nam là tỷ giá áp dụng để chuyển đổi báo cáo tài chính được lập bằng ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng;

- Đối với giá vàng được thực hiện như sau:

(i) Đối với ngân hàng thương mại có hoạt động kinh doanh vàng, ngân hàng sử dụng giá niêm yết bán ra của ngân hàng tại thời điểm cuối ngày của ngày báo cáo;

(ii) Đối với ngân hàng không kinh doanh vàng, ngân hàng sử dụng niêm yết bán ra của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sở hữu nhãn hiệu vàng tại thời điểm cuối ngày của ngày báo cáo;

- Trường hợp ngày báo cáo không phải là ngày làm việc, ngân hàng áp dụng tỷ giá và giá vàng của ngày làm việc liền trước.

(8) Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với ngân hàng, trong trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, Ngân hàng Nhà nước xem xét:

- Yêu cầu ngân hàng duy trì tỷ lệ an toàn vốn cao hơn so với mức quy định tại Thông tư 14/2025/TT-NHNN;

- Quyết định áp dụng tỷ lệ bộ đệm vốn đối với ngân hàng thương mại có tầm quan trọng hệ thống trong từng thời kỳ.

Thông tư 14/2025/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/9/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 82 Thông tư 14/2025/TT-NHNN.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 13

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079