Văn bản hợp nhất Nghị quyết về quy trình lựa chọn công bố và áp dụng án lệ

11/07/2025 11:09 AM

Nội dung bài viết là Văn bản hợp nhất 11/VBHN-TANDTC của Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Văn bản hợp nhất Nghị quyết về quy trình lựa chọn công bố và áp dụng án lệ

Văn bản hợp nhất Nghị quyết về quy trình lựa chọn công bố và áp dụng án lệ (Hình từ Internet)

Ngày 10/7/2025, Toà án nhân dân tối cao ban hành Văn bản hợp nhất 11/VBHN-TANDTC của Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Văn bản hợp nhất 11/VBHN-TANDTC

Văn bản hợp nhất Nghị quyết về quy trình lựa chọn công bố và áp dụng án lệ

Theo đó, Văn bản hợp nhất 11/VBHN-TANDTC đã hợp nhất Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2019, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 02/2025/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025.

Sau đây là một số nội dung tại Văn bản hợp nhất 11/VBHN-TANDTC về Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ:

* Án lệ

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

* Tiêu chí lựa chọn án lệ

Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

- Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;

- Có tính chuẩn mực;

- Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

* Đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.

- Các Tòa án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP và gửi cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.

* Lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ

- Bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm tham gia ý kiến, trừ trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP (sửa đổi tại Nghị quyết 02/2025/NQ-HĐTP).

Ý kiến góp ý được gửi về Tòa án nhân dân tối cao. Thời gian lấy ý kiến góp ý là 30 ngày kể từ ngày đăng tải.

- Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến rộng rãi đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ. Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP.

* Hội đồng tư vấn án lệ

- Hội đồng tư vấn án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thành lập gồm có ít nhất 09 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao, 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao, các thành viên khác là đại diện Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia về pháp luật và 01 đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao (đồng thời là Thư ký Hội đồng).

Trường hợp tư vấn án lệ về hình sự thì thành phần của Hội đồng tư vấn án lệ phải có đại diện Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Hội đồng tư vấn án lệ có trách nhiệm thảo luận cho ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ.

- Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ được thực hiện thông qua phiên họp thảo luận trực tiếp hoặc bằng văn bản. Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ quyết định phương thức lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kết quả tư vấn.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 29

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079