Vụ tai nạn giao thông còn khuất tất

28/10/2011 17:29 PM

TT - Hơn một năm trước, một vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã xảy ra tại quốc lộ 1A, P.An Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Nạn nhân bị gãy cột sống, liệt hai chân, mất một cánh tay.

Thế nhưng, vụ án đã được dàn xếp, không giám định thương tật và cũng không khởi tố!

Chị Thắm và con trai - Ảnh: T.L.

Ngày 5-9-2010, khi đang đi xe máy trên quốc lộ 1A hướng từ ngã ba Vũng Tàu về TP.HCM, chị Nguyễn Thị Thắm (25 tuổi) bị một xe máy va vào. Cú va chạm làm chị bị hất văng ra đường và bị một xe tải chạy tới đụng phải.

Anh Phạm Minh Quang là người lái xe tải và người đi đường đã đưa chị Thắm vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Chị bị thương rất nặng: chấn thương ngực, bụng, gãy xương đòn hai bên, tràn khí, tràn máu màng phổi phải, vỡ thân đốt sống, dập nát các cơ cánh tay cẳng tay, gãy liên hồi cầu cánh tay trái, tay phải vết thương dập nát không thể bảo tồn, biến dạng khớp háng, trật khớp háng... Sau ba lần phẫu thuật, chị Thắm được chuyển về Bệnh viện Đồng Nai để tiếp tục điều trị. Sau hơn bốn tháng nằm viện, chị Thắm về nhà nằm một chỗ, người cứ teo tóp dần, suy kiệt...

Tan nát một cuộc đời

Từ một người đang phơi phới tuổi thanh xuân, giờ chị Thắm phải nằm một chỗ, nửa thân dưới bị liệt, cánh tay phải bị cắt bỏ, tay trái đầy vết thương, lóc da đến giờ vẫn chưa lành. Nhà nghèo, chị phải nghỉ học từ sớm đi làm công nhân phụ giúp gia đình. Chị yêu một người và khi biết tin chị có thai, người này đã “biến mất”, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn. Từ ngày bị tai nạn, chị thường hay cáu gắt và khóc rất nhiều. Chị Thắm nói: “Giờ tôi chỉ là người tàn phế, thêm gánh nặng cho cha mẹ già. Nhiều lúc nghĩ quẩn chỉ muốn chết cho xong, nhưng vì con còn quá nhỏ, đành cố được ngày nào hay ngày đó”.

“Chỉ hi vọng con tôi được sống”

Sau khi có báo đăng tải câu chuyện thương tâm của chị Thắm và con trai, gia đình chị đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bạn đọc trong và ngoài nước. Hiện gia đình chị không còn khó khăn về tiền bạc.

Bà Thành, mẹ chị Thắm, cho biết: “Cho tới hôm nay vẫn có rất nhiều người về nhà thăm Thắm, giúp đỡ về tiền bạc, an ủi tinh thần làm gia đình tôi rất xúc động. Ngày 31-10, gia đình tôi sẽ đưa Thắm tới Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Chúng tôi có liên hệ trước với bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, họ bảo sẽ khám xem tình hình sức khỏe của Thắm thế nào rồi mới xác định bước điều trị tiếp theo chứ không nói trước được điều gì. Giờ gia đình tôi chỉ hi vọng con được sống, dù ngồi xe lăn để tôi đẩy đi cũng được, để bé G.H. không phải mồ côi mẹ...”.

Bà Nguyễn Thị Thành (mẹ chị Thắm) cho biết: “Sau khi con bị tai nạn, công an có gọi gia đình tôi làm việc. Họ khuyên chúng tôi nên hòa giải với người lái xe chứ không nên khiếu kiện làm gì, vì kiện tụng lằng nhằng mà họ đi tù rồi lại không có tiền để trả cho con mình tiếp tục chạy chữa. Thế nên chúng tôi nghe lời công an không khiếu kiện gì cả”.

Chủ xe và người lái xe tải đã đền cho gia đình bà Thành 130 triệu đồng. Nhưng số tiền đó không thấm tháp gì so với chi phí của hơn bốn tháng chị Thắm điều trị tại bệnh viện. Chạy vạy khắp nơi vẫn không đủ, bà Thành phải bán nửa căn nhà của mình, nửa căn còn lại phải che tạm bằng tấm bạt. Theo bà Thành, người tài xế xe tải có hứa sẽ nhận bé G.H. làm con nuôi, sau này sẽ có trách nhiệm cho tới khi bé trưởng thành. Nhưng từ khi chị Thắm ra viện, anh ta đổi số điện thoại và không hề liên lạc thăm hỏi gì nữa.

Tại sao khép lại hồ sơ?

Theo lời kể của chị Thắm, chị đi đúng phần đường của mình, đúng luật, người lái chiếc xe gắn máy (ông Nguyễn Tiến Lâm) va chạm vào chị đã vượt sai luật (vượt phải). Sơ đồ hiện trường tai nạn giao thông do đội cảnh sát giao thông lập cũng cho thấy xe máy của chị Thắm nằm cách lề đường tay phải (hướng ngã ba Vũng Tàu - TP.HCM) 4,05m, xe máy của ông Lâm nằm cách lề đường tay phải 3,40m.

Điều này chứng tỏ ông Lâm đã vượt qua xe chị Thắm từ bên tay phải. Biên bản giải quyết tai nạn giao thông của đội cảnh sát giao thông Công an TP Biên Hòa ghi rõ: “Căn cứ tình tiết diễn biến của vụ tai nạn và đối chiếu với các quy định của Luật giao thông đường bộ, chúng tôi kết luận nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do Phạm Minh Quang điều khiển xe 70K-2081 xử lý kém”.

Thế nhưng khi làm việc với PV Tuổi Trẻ, đại diện Công an TP Biên Hòa - trung tá Đỗ Huy Hòa, đội phó đội cảnh sát giao thông - cho rằng “vụ tai nạn xảy ra do lỗi của chị Thắm”. Theo ông Hòa, chị Thắm đã ủy quyền cho mẹ là bà Nguyễn Thị Thành đứng ra thương lượng với tài xế ôtô gây tai nạn, vì vậy vụ việc được khép lại. Trả lời câu hỏi công an có trưng cầu giám định thương tật không, ông Hòa nói: “Công an có mời lên nhưng bà Thành khước từ giám định thương tật”. Trong khi đó, bà Thành cho biết: “Công an có bảo gia đình tôi đưa Thắm đi giám định thương tật, nhưng gia đình tôi không có tiền để đưa con đi. Chúng tôi cũng đâu biết đi giám định để làm gì, vì ai cũng nghèo và ít học. Thấy công an khuyên đừng kiện thì chúng tôi không kiện, không có tiền đưa con đi giám định và đành lòng đưa con về nhà nằm chờ chết”.

Khi chúng tôi tiếp tục đặt vấn đề vì sao chị Thắm bị thương tật rất nặng nhưng công an lại không trưng cầu giám định để xem xét khởi tố vụ án hình sự, ông Hòa cho biết: “Việc giám định là để phục vụ tố tụng, còn ở đây là câu chuyện dân sự do lỗi của nạn nhân và giữa gia đình nạn nhân với tài xế xe gây tai nạn đã có cam kết không khiếu kiện nên công an không giám định. Hơn nữa công an cũng đã có văn bản trao đổi với viện kiểm sát nên chúng tôi không giám định thương tật của nạn nhân”.

Không giám định là “có vấn đề”

Trong khi đó, luật sư Trương Tiến Dũng (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) cho biết trường hợp tai nạn giao thông như chị Thắm sẽ bị điều chỉnh bởi điều 202 Luật hình sự về “tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Theo điều 202, để xác định một tai nạn giao thông trước hết xem người lái xe có vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hay không, có lỗi của cả hai phía (người gây tai nạn và người bị tai nạn) hay không và phải có biên bản hiện trường, sơ đồ hiện trường, cần thiết thì cho giám định phương tiện gây tai nạn.

Một kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Vụ tai nạn xảy ra nghiêm trọng như vậy nhưng Công an TP Biên Hòa không trưng cầu giám định là “có vấn đề”. Việc chị Thắm bị thương tật như thế là phải giám định để xem xét xử lý hình sự. Pháp luật đã quy định như vậy nên cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định. Cho dù gia đình chị Thắm có thương lượng với tài xế thì cũng chỉ mới là giải quyết bồi thường dân sự mà thôi”.

HÀ MI - TÂM LỤA

Khi nào khởi tố án tai nạn giao thông?

So với Bộ luật hình sự năm 1985, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại điều 202 của Bộ luật hình sự năm 1999 có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn và áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn. Cơ cấu của điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 bao gồm ba khung hình phạt chính, có thứ tự từ thấp đến cao. Đó là:

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định.

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác.

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông.

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Để phân biệt thế nào là “gây hậu quả nghiệm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-3-2003 của hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã giải thích như sau:

Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 202 Bộ luật hình sự, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Làm chết một người.

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tỉ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỉ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41-100%.

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỉ lệ thương tật từ 21-30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng.

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tỉ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỉ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30-40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng.

e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

Kiểm sát viên NGUYỄN MINH SƠN
(Viện KSND tỉnh Kiên Giang)

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,984

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079