07 điểm mới về kỷ luật công chức áp dụng từ ngày 20/9/2020

23/09/2020 11:07 AM

Từ ngày 20/9/2020, việc xử lý kỷ luật công chức sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP với những điểm mới sau đây:

1. Về nguyên tắc xử lý kỷ luật

- Quy định cũ tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP:  Nếu công chức có nhiều hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và chịu hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm phải xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.

- Từ 20/9/2020: Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu cán bộ, công chức có từ 02 hành vi vi phạm trở lên thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, buộc thôi việc.

Bổ sung các quy định sau:

- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính.

- Công chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.

kỷ luật cán bộ công chức

Xử lý kỷ luật công chức (Ảnh minh họa)

2. Bổ sung trường hợp chưa xem xét kỷ luật

Bổ sung 02 trường hợp sau:

- Chưa xem xét kỷ luật đổi với công chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

- Công chức đang bị khởi tố.

Ngoài ra đối với trường hợp chưa xem xét kỷ luật vì đang điều trị bệnh, quy định cụ thể hơn đó là: đang điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

3. Bổ sung trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật

Bổ sung trường hợp được miến:

- Công chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.

- Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật dân sự khi thi hành công vụ.

4. Về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật

Thời hiện xử lý kỷ luật công chức:

- Quy định cũ:  24 tháng, kể từ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến thời điểm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.

- Từ 20/9/2020:

+ Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; công chức có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; công chức có có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; công chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

+ 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;

+ 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc các trường hợp nêu trên.

Thời hạn xử lý kỷ luật công chức:

- Quy định cũ:  không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.

- Từ 20/9/2020: Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.

5. Hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Theo quy định mới tại Nghị định 112, Công chức là lãnh đạo, quản lý không còn bị kỷ luật hạ bậc lương.

6. Về việc áp dụng chi tiết các hình thức kỷ luật

Từ ngày 20/9/2020, việc áp dụng hình thức kỷ luật với công chức theo quy định tại Điều 8, 9, 10, 11, 12, 13 Nghị định 112, theo đó:

- Nghị định 112 chủ yếu quy định khái quát nhóm hành vi chứ không chi tiết các hành vi cụ thể đến mức bị xử lý kỷ luật.

- Nghị định 112 căn cứ hậu quả của hành vi để xác định hình thức kỷ luật, ví dụ cùng một hành vi vi phạm mà gây hậu quả ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng mà có hình thức kỷ luật khác nhau:

Ví dụ: Hành vi “Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi”, vi phạm lần đầu:

+ Bị khiển trách nếu gây hậu quả ít nghiêm trọng.

+ Bị cảnh cáo nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

+ Hạ bậc lương với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, giáng chức với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng….

- Bổ sung nhiều hành vi bị xử lý kỷ luật như: vi phạm quy định về phòng, chống bạo lực gia đình, dân số, hôn nhân và gia đình, an sinh xã hội….

7. Hướng dẫn xử lý kỷ luật với công chức đã về hưu

Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định “Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.”

Nghị định 112 đã hướng dẫn chi tiết nội dung về thẩm quyền xử lý kỷ luật và trình tự xử lý kỷ luật với đối tượng công chức đã về hưu tại Điều 22, 23.

Quý Nguyễn

Chia sẻ bài viết lên facebook 8,665

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079