Quy định về thanh toán một số thuốc với người tham gia BHYT

21/02/2023 10:28 AM

Quy định về thanh toán một số thuốc với người tham gia BHYT là nội dung tại Thông tư 20/2022/TT-BYT.

Quy định về thanh toán một số thuốc với người tham gia BHYT

Quy định về thanh toán một số thuốc với người tham gia BHYT (Hình từ Internet)

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 về Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

1. Nguyên tắc chung về thanh toán chi phí thuốc đối với người bệnh tham gia BHYT

Nguyên tắc chung về thanh toán chi phí thuốc đối với người bệnh tham gia bảo hiểm y tế theo Điều 3 Thông tư 20/2022/TT-BYT như sau:

- Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc sử dụng cho người bệnh theo số lượng thực tế sử dụng, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 20/2022/TT-BYT

Giá mua thực tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu và phù hợp với phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế.

- Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong trường hợp chỉ định thuốc phù hợp với chỉ định của một trong các tài liệu sau:

+ Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép;

+ Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc của thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu đã được Bộ Y tế cấp phép;

+ Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế;

+ Dược thư Quốc gia Việt Nam phiên bản mới nhất.

- Quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán đối với các trường hợp sau:

+ Thuốc, lô thuốc đã có quyết định đình chỉ lưu hành hoặc thu hồi. Việc không thanh toán đối với thuốc, lô thuốc đã có quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi theo phạm vi áp dụng tại văn bản thông báo hoặc quyết định việc đình chỉ lưu hành hoặc thu hồi thuốc, lô thuốc đó của Bộ Y tế;

+ Chi phí các thuốc đã được kết cấu vào giá của dịch vụ kỹ thuật, khám bệnh, ngày giường điều trị hoặc giá thu trọn gói theo ca bệnh theo quy định hiện hành;

+ Phần chi phí của các thuốc được ngân sách nhà nước hoặc các nguồn kinh phí khác chi trả;

+ Thuốc được sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.

2. Quy định về thanh toán một số thuốc với người tham gia BHYT

Theo Điều 5 Thông tư 20/2022/TT-BYT thì Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc đối với người bệnh tham gia bảo hiểm y tế khi tuân thủ quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 20/2022/TT-BYT, đồng thời theo một số quy định trong các trường hợp cụ thể như sau:

(1) Các dạng đồng phân hóa học khác hoặc các dạng muối khác của hoạt chất (kể cả dạng đơn thành phần và dạng phối hợp đa thành phần, trừ vitamin và khoáng chất) có trong Danh mục thuốc quy định tại Phụ lục I được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán nếu có cùng chỉ định với dạng hóa học hay thuốc ghi trong Danh mục thuốc.

Phụ lục I

(2) Thuốc được xếp nhóm này nhưng sử dụng để điều trị bệnh thuộc nhóm khác được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán nếu có chỉ định phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 20/2022/TT-BYT.

(3) Một số thuốc có quy định điều kiện, tỷ lệ thanh toán được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định tại cột 8 Danh mục thuốc quy định tại Phụ lục I.

Phụ lục I

(4) Trường hợp theo chỉ định chuyên môn, người bệnh chỉ sử dụng một phần lượng thuốc trong đơn vị đóng gói nhỏ nhất (ví dụ: thuốc dùng trong chuyên khoa nhi, chuyên khoa ung bướu) và lượng thuốc còn lại không thể sử dụng được (ví dụ: không có người bệnh có cùng chỉ định, lượng thuốc còn lại không đủ liều lượng, hoặc quá thời hạn bảo quản của thuốc) thì:

Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán toàn bộ theo giá của đơn vị đóng gói nhỏ nhất đó.

(5) Trường hợp một số thuốc ở dạng lỏng hay khí nén (như oxy dược dụng, nitric oxid) không được đóng gói để sử dụng riêng cho từng người bệnh, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán số lượng thuốc sử dụng theo số thời gian thở khí y tế thực tế của người bệnh nhân (x) lượng khí thở trên một đơn vị thời gian (phút hoặc giờ).

(6) Đối với chất đánh dấu, thuốc phóng xạ:

- Đối với chất đánh dấu: Căn cứ vào dịch vụ kỹ thuật và số lượng người bệnh trực tiếp thực hiện dịch vụ kỹ thuật đó tại cơ sở, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tính toán định mức sử dụng thực tế bình quân của kít hoặc lọ chất đánh dấu đối với từng dịch vụ kỹ thuật. 

Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí chất đánh dấu theo đơn giá của chất đánh dấu nhân (x) định mức sử dụng thực tế bình quân;

- Đối với thuốc phóng xạ: Căn cứ tốc độ phân rã thuốc phóng xạ, nguồn cung ứng thuốc phóng xạ, chu kỳ nhập thuốc phóng xạ và lưu lượng người bệnh sử dụng thuốc phóng xạ thực tế tại cơ sở, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định tỷ lệ sử dụng thực tế bình quân của thuốc phóng xạ. 

Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc phóng xạ theo đơn giá nhân (x) liều sử dụng bình quân chia (:) tỷ lệ sử dụng thực tế bình quân của thuốc phóng xạ;

- Việc thống kê, tính toán chi phí sử dụng dịch vụ kỹ thuật có sử dụng thuốc phóng xạ và chất đánh dấu được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 20/2022/TT-BYT.

Phụ lục III

(7) Các thuốc có ký hiệu dấu sao (*) là thuốc phải được hội chẩn trước khi sử dụng, trừ trường hợp cấp cứu. 

Đối với thuốc kháng sinh có ký hiệu dấu sao (*), quỹ bảo hiểm y tế thanh toán khi thực hiện đúng quy trình hội chẩn khi kê đơn theo quy định về Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện của Bộ Y tế.

(8) Đối với các thuốc điều trị ung thư, thuốc điều hòa miễn dịch:

- Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và có phạm vi hành nghề là ung bướu hoặc y học hạt nhân;

Hoặc huyết học truyền máu và sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chức năng điều trị ung thư, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 8 Điều 5 Thông tư 20/2022/TT-BYT, bao gồm:

+ Cơ sở ung bướu, huyết học truyền máu, y học hạt nhân;

+ Các khoa hoặc trung tâm ung bướu, huyết học truyền máu và y học hạt nhân trong viện, bệnh viện chuyên khoa hoặc bệnh viện đa khoa;

+ Các loại hình tổ chức có nhiệm vụ điều trị ung thư được quy định trong quy chế tổ chức hoạt động hoặc điều lệ tổ chức hoạt động đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc công nhận.

- Trường hợp sử dụng thuốc để điều trị các bệnh khác không phải ung thư: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán khi có hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế hoặc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

Trường hợp chưa có hướng dẫn chẩn đoán, điều trị thì phải hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Trường hợp chưa có hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, không có bác sĩ chuyên khoa ung bướu thì phải được hội chẩn dưới sự chủ trì của lãnh đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước khi chỉ định sử dụng.

(9) Đối với thuốc được bào chế hoặc pha chế (bao gồm oxy dược dụng và nitric oxid) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

- Được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán khi:

+ Thuốc được bào chế, pha chế phải có thành phần được quy định trong Danh mục thuốc ban hành kèm Thông tư 20/2022/TT-BYT

Trường hợp thuốc được bào chế, pha chế cấu thành bởi nhiều hoạt chất, mỗi thành phần hoạt chất của chế phẩm phải có trong Danh mục thuốc ban hành kèm theo Điều 5 Thông tư 20/2022/TT-BYT dưới dạng đơn chất hoặc dạng phối hợp. 

Trường hợp thuốc được bào chế, pha chế cấu thành bởi nhiều hoạt chất, nhưng có thành phần không có trong Danh mục thuốc ban hành kèm theo Điều 5 Thông tư 20/2022/TT-BYT, thực hiện theo hướng dẫn tại điểm d khoản 9 Điều 5 Thông tư 20/2022/TT-BYT;

+Phù hợp về đường dùng, dạng dùng, hạng bệnh viện được sử dụng trong Danh mục thuốc ban hành kèm theo Thông tư 20/2022/TT-BYT;

+ Chỉ sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.

- Căn cứ nhu cầu sử dụng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện như sau:

+ Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế: Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm xây dựng quy trình bào chế hoặc pha chế, tiêu chuẩn chất lượng, giá hoặc chi phí của thuốc; thống nhất với cơ quan bảo hiểm xã hội về giá hoặc chi phí thuốc để làm căn cứ thanh toán;

+ Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc hệ thống lực lượng vũ trang nhân dân: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;

+ Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân thực hiện theo quy định pháp luật về giá.

- Giá hoặc chi phí thuốc được xây dựng trên cơ sở:

+ Chi phí thành phần hoạt chất của thuốc theo giá mua vào của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

+ Chi phí hao hụt (nếu có);

+ Chi phí tá dược, phụ liệu làm thuốc;

+ Chi phí khử khuẩn, tiệt khuẩn (nếu có);

+ Chi phí chế biến, bào chế bao gồm điện, nước, nhiên liệu;

+ Chi phí bao bì đóng gói, vật tư tiêu hao;

+ Chi phí vật tư, hóa chất, phụ liệu phục vụ hoạt động kiểm tra chất lượng trước khi thực hiện kiểm nghiệm;

+ Chi phí kiểm nghiệm;

+ Chi phí nhân công thực hiện;

+ Chi phí quản lý và chi phí khấu hao máy móc: 

Đối với chi phí quản lý và chi phí khấu hao máy móc, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo lộ trình điều chỉnh các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và được áp dụng cùng thời điểm với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

- Trường hợp thuốc được bào chế, pha chế cấu thành bởi nhiều hoạt chất, nhưng có thành phần không có trong Danh mục thuốc ban hành kèm theo Thông tư 20/2022/TT-BYT

Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 9 Điều 5 Thông tư 20/2022/TT-BYT, trừ chi phí hoạt chất không có trong Danh mục thuốc ban hành kèm theo Thông tư 20/2022/TT-BYT;

- Quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán thuốc được bào chế, pha chế khi có thuốc thương mại trên thị trường có cùng thành phần, hàm lượng, dạng bào chế với thuốc được pha chế, bào chế và giá mua sắm thông qua đấu thầu thấp hơn giá hoặc chi phí thuốc được bào chế, pha chế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

(10) Đối với thuốc sử dụng trong Hội chẩn từ xa:

- Áp dụng đối với người bệnh điều trị cấp cứu ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và được sử dụng thuốc theo hướng dẫn về chuyên môn hoặc chỉ định điều trị tại buổi hội chẩn từ xa với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;

- Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phụ thuộc vào hạng của bệnh viện theo quy định tại Thông tư 20/2022/TT-BYT (kể các thuốc có quy định điều kiện về hạng và chuyên khoa của các cơ sở khám chữa bệnh tại cột 8 Danh mục thuốc quy định tại Phụ lục I) khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:

Phụ lục I

+ Việc hội chẩn được thực hiện theo nhiệm vụ chỉ đạo tuyến hoặc theo hợp đồng chuyển giao kỹ thuật;

+ Thuốc được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị cho người bệnh mua sắm theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

+ Có biên bản hội chẩn theo đúng mẫu biên bản hội chẩn thực hiện theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 49/2017/TT-BYT.

Phụ lục I

(11) Trường hợp dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, người bệnh không thể đến được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán như sau:

- Trường hợp người bệnh được cấp giấy hẹn khám lại nhưng do dịch bệnh, không đến được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp giấy hẹn để khám bệnh, chữa bệnh và nhận thuốc, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người bệnh có thể lựa chọn một hoặc nhiều các hình thức như sau:

+ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy hẹn khám lại thực hiện chuyển thuốc cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác mà người bệnh có thể đến được để tiếp tục điều trị và cấp thuốc cho người bệnh. 

Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc điều trị cho người bệnh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi nhận thuốc theo giá mua vào của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển thuốc theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế;

+ Người bệnh được ủy quyền cho người đại diện đến nhận thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy hẹn khám lại hoặc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác (nơi nhận thuốc từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp giấy hẹn khám lại).

Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó phải ghi rõ thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu của người bệnh và người được ủy quyền nhận thuốc. 

Khi nhận thuốc, người được ủy quyền nhận thuốc phải xuất trình các giấy tờ phù hợp với thông tin được ghi trong văn bản ủy quyền.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của thông tin ghi trên giấy ủy quyền với giấy tờ mà người được ủy quyền xuất trình đến nhận thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Đối với người mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn, lao kháng thuốc hoặc người mắc bệnh HIV/AIDS và các thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy hẹn khám lại cử người hoặc thông qua đơn vị thứ ba vận chuyển thuốc đến cho người bệnh để tiếp tục điều trị và sử dụng thuốc.

- Trường hợp người bệnh đang điều trị nội trú có chỉ định chuyển tuyến nhưng do tình hình dịch bệnh không chuyển được người bệnh, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc sử dụng cho người bệnh khi thuốc đó được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mua sắm theo quy định của pháp luật về đấu thầu mà:

Không phụ thuộc vào hạng của bệnh viện theo quy định, bao gồm cả các thuốc có điều kiện về hạng và chuyên khoa của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại cột 8 của Danh mục thuốc quy định tại Phụ lục I.

Phụ lục I

Xem thêm Thông tư 20/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/03/2023.

Chia sẻ bài viết lên facebook 21,228

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079