Kinh tế suy thoái do “tham nhũng tràn lan”

07/11/2013 11:59 AM

Đây là một nhận xét được nêu tại báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ của Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, vừa được gửi đến các vị đại biểu trước phiên thảo luận tại hội trường vào sáng 7/11.

Theo báo cáo, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng tình hình tham nhũng vẫn còn tiềm ẩn và có chiều hướng gia tăng tại một số lĩnh vực, gây bức xúc trong dư luận.

“Tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng đang hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng chủ yếu mới phát hiện cán bộ cấp dưới sai phạm. Nguyên nhân là do công tác quản lý cán bộ trong lĩnh vực này còn nhiều sơ hở dẫn đến thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước rất lớn… “, báo cáo nêu rõ.

Một số ý kiến cho rằng, cần rà soát, làm rõ có hay không có việc tham nhũng trong xây dựng chính sách, đây là hình thức tham nhũng rất nguy hiểm, ảnh hưởng rộng và gây thiệt hại rất lớn nhưng lại không kiểm soát được.

Nguyên nhân của tình hình tham nhũng nêu trên, theo các vị đại biểu là do chưa có chế tài mạnh mẽ, có tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ, đảng viên công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Văn bản pháp luật còn chồng chéo nên dẫn đến tình trạng lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, trong từng cấp, từng ngành cấp độ vi phạm khác nhau (cấp lớn tham nhũng lớn, cấp nhỏ tham nhũng nhỏ).

Các vị đại diện của dân cũng khái quát, nếu còn tồn tại cơ chế “xin - cho” thì tham nhũng vẫn còn xảy ra. Việc chi tiêu ngân sách của một số cơ quan, đơn vị còn chưa được quản lý tốt nên gây lãng phí và phát sinh tham nhũng.

“Có ý kiến cho rằng, tình hình kinh tế suy thoái, khó khăn như hiện nay có nguyên nhân rất quan trọng do tình trạng tham nhũng tràn lan. Các công trình, dự án đều phải chạy chọt, bôi trơn giữa cán bộ có thẩm quyền và doanh nghiệp”, báo cáo phản ánh.

Trước thực trạng tham nhũng nhức nhối từ năm này sang năm khác, nhiều vị đại biểu cho rằng, công tác phòng ngừa tham nhũng còn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tạo được niềm tin của nhân dân. Công tác phòng, chống tham nhũng chưa được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Theo một số vị đại biểu, bộ máy quản lý, điều hành của Nhà nước không hợp lý, quá cồng kềnh, hiệu quả thấp gây mất lòng tin của người dân. Bên cạnh đó, một số cơ quan hoạt động không công khai, minh bạch, cơ quan trung ương ôm đồm quá nhiều những vấn đề không cần thiết.

Nhận xét đối với lĩnh vực kinh tế hoặc có liên quan đến kinh tế thì tình trạng tham nhũng sẽ đi đôi với các loại tội phạm khác, có vị đại biểu nêu có những tỉnh chỉ trong một khóa lãnh đạo đã phê duyệt các dự án mà đến 3-4 khóa sau thực hiện vẫn chưa hết dẫn đến việc gây thiệt hại cho Nhà nước và nền kinh tế rất lớn. Do đó, cần phải rà soát kỹ xem có hay không việc chạy dự án và nhận hối lộ để phê duyệt dự án.

Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, theo nhiều đại biểu là chưa nghiêm. Hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu. Thẩm quyền của cơ quan chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng còn nhiều chồng chéo, khó khăn trong thực hiện.

Đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế cụ thể để xác định trách nhiệm của các tỉnh cả năm không phát hiện được vụ việc tham nhũng nào. Đồng thời  xây dựng công cụ quản lý tài sản, thu nhập của công dân Việt Nam, đặc biệt là cán bộ ở lĩnh vực dễ tham nhũng.

Nhiều đại biểu cho rằng cần phải xem xét rõ trách nhiệm, vai trò của thanh tra, kiểm toán trong việc phát hiện tội phạm tham nhũng. Tổ chức một cơ quan độc lập về phòng chống tham nhũng và cơ quan này chỉ tập trung điều tra xử lý các vụ án tham nhũng do cán bộ cấp cao thực hiện hoặc ở cấp trung ương.

Có vị đại biểu còn đề nghị Quốc hội tổ chức kỳ họp chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhận được đề nghị rà soát lại các vụ án tham nhũng để làm rõ và phân tích sâu các nguyên nhân của tham nhũng, nếu nguyên nhân là do cơ chế không phù hợp thì Quốc hội cần phải sửa ngay.

Đại biểu cũng muốn Ủy ban Tư pháp làm rõ và có số liệu cho nhận định về tình hình tham nhũng trong lĩnh vực dạy nghề ở nông thôn, lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp ở đâu, địa phương nào.

Liên quan tới một vụ việc cụ thể về sai phạm tại Bệnh viện Hoài Đức - Hà Nội, báo cáo phản ánh quan điểm của đại biểu là  cần có cơ chế để đảm bảo quyền lợi, xem xét khoan hồng đối với người tố cáo bởi những sai phạm trước đó của người tố cáo được thực hiện theo sự chỉ đạo. Sau đó người tố cáo đã mạnh dạn đứng ra tố cáo tiêu cực, sai phạm, có công thu thập tài liệu, bằng chứng để làm rõ vụ việc.

Minh Thúy

Theo VnEconomy

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,907

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079