Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang được đề nghị xây dựng (Hình từ internet)
Theo như Tờ trình của Bộ Tư pháp thì đến nay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020 đã có nội dung, quy định không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với việc tăng cường thi hành pháp luật. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, thời gian lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đề xuất, lập đề nghị, dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm quá dài, thời điểm chưa hợp lý; quy trình lập đề nghị xây dựng văn bản của Chính phủ, văn bản QPPL của địa phương có thủ tục rườm rà, phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ ban hành văn bản; quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quá cứng, không linh hoạt, không quy định trình tự, thủ tục rút gọn trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh nên chưa đáp ứng yêu cầu ban hành văn bản nhanh đúng với mục đích của thủ tục rút gọn, nhất là trong trường hợp cấp bách, đột xuất; Chưa có quy định để bảo đảm tính thực chất và hiệu quả trong việc thực hiện quyền sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bằng các cơ chế cụ thể, đặc biệt là các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền này của ĐBQH; quy trình thông qua, sửa đổi, bổ sung VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn phức tạp, thiếu tính khả thi, không đáp ứng được yêu cầu phản ứng chính sách kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chưa có sự phân biệt rõ quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của Trung ương với địa phương; quy trình xây dựng văn bản trong trường hợp rút gọn chưa rõ ràng, cụ thể, thống nhất;
Thứ hai, một số nguyên tắc, khái niệm trong xây dựng và thi hành VBQPPL chưa đầy đủ, chưa cụ thể; hệ thống VBQPPL còn có nhiều hình thức văn bản, nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành VBQPPL;
Thứ ba, Chính phủ đã gặp khó khăn về căn cứ pháp lý trong việc ban hành nghị định để thực hiện thí điểm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình nhằm tạo cơ chế linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh; việc ban hành nghị định của Chính phủ để xử lý ngay các vấn đề phát sinh trong thực tiễn do tình hình trong nước và trên thế giới biến động nhanh và khó dự báo (như tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang…) còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn tồn tại dai dẳng.
Thứ tư, công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa được quy định cụ thể, nhất là theo dõi thi hành pháp luật, tổ chức triển khai các đạo luật mới được ban hành, dẫn đến có trường hợp cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, không dám làm do không nắm chắc quy định của pháp luật, quy định về trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, cũng như việc không kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật chưa cụ thể, chưa đầy đủ.
Thứ năm, Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật vẫn có nơi còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đội ngũ công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn thiếu về số lượng, chưa được bố trí chuyên nghiệp so với khối lượng công việc được giao, với yêu cầu công việc gắn với tiến độ nhanh, chất lượng ngày càng cao; Định mức kinh phí phân bổ nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật còn thấp so với yêu cầu về chất lượng và độ khó, phức tạp của hồ sơ dự thảo VBQPPL; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng pháp luật còn hạn chế; việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện rà soát VBQPPL nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống VBQPPL hiện hành, soạn thảo VBQPPL đang ở bước nghiên cứu, chưa có sản phẩm cụ thể; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn để thực hiện việc rà soát văn bản.
Bên cạnh đó, thông tin từ Tờ trình của Bộ Tư pháp thì bối cảnh tình hình hiện nay trong nước và quốc tế cũng đặt ra những đòi hỏi nhất định đối với việc hoàn thiện pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể:
- Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài, năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn hạn chế, chưa thu hẹp được khoảng cách nước phát triển trong khu vực; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn; năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, khả năng tự chủ của nền kinh tế chưa cao. Trong khi đó, các quan hệ xã hội phát triển, biến động nhanh, đa dạng, đa chiều và phức tạp, nguồn thông tin phong phú, trình độ dân trí ngày càng cao, dân chủ ngày càng được mở rộng, đòi hỏi chất lượng xây dựng thể chế, pháp luật phải được nâng cao.
- Tình hình quốc tế, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; xung đột vũ trang trên thế giới, dịch bệnh và thiên tai gia tăng; thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen tác động, ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Bối cảnh đó, đòi hỏi các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm thích nghi, phù hợp với tình hình thực tế. Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển nhanh, mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực; công nghệ thông tin và sinh học tiếp tục có những bước nhảy vọt, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy phát triển kinh tế, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những yếu tố này đã có tác động không nhỏ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
- Trong bối cảnh đó quy trình xây dựng pháp luật cũng phải kịp thời để thích ứng với những thay đổi và diễn biến nhanh chóng của tình hình thế giới…, đại dịch Covid-19 vừa qua gây ra suy thoái kinh tế thế giới, thay đổi trật tự, cấu trúc, phương thức quản trị, cách thức hoạt động kinh tế, tổ chức đời sống và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhiều vấn đề toàn cầu như bảo vệ hòa bình, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống đặt ra những thách thức chưa từng có cho sự phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường nội lực, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ áp dụng.
Từ các cơ sở nêu trên việc ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL và tổ chức thi hành pháp luật thay thế Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020.
Xem thêm nội dung tại Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp.
Nguyễn Hữu Hiệp