Đề xuất sửa đổi một số quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

29/05/2024 08:15 AM

Ngày 27/5/2024, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó một số quy định được đề xuất thay đổi.

Đề xuất sửa đổi một số quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Hình từ internet)

1. Mục tiêu xây dựng lại Luật Ban hành văn quy phạm pháp luật

Theo như phần trình bày của Bộ Tư pháp tại Tờ trình  thì việc xây dựng một số quy định được đề xuất thay đổi trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo hướng xác định rõ và tăng cường vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong xây dựng pháp luật; bảo đảm quy trình chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, hiệu quả. Cụ thể là:

- Tăng tính chủ động, linh hoạt, đơn giản, rõ ràng, minh bạch của quy trình lập đề nghị, dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế.

- Nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách, khắc phục những mâu thuẫn, bất cập và bảo đảm quy trình xây dựng chính sách, soạn thảo phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu cấp bách có thể đặt ra. Đồng thời, bảo đảm các VBQPPL được xây dựng căn cứ trên các chính sách đã được phê duyệt.

- Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, ban hành VBQPPL; huy động tối đa các nguồn lực, sự tham gia của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là sự tham gia của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách vào quá trình xây dựng VBQPPL.

2. Một số quy định được đề xuất thay đổi trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Dựa vào Đề cương chi tiết dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật kèm theo tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp thì việc xây dựng Luật sẽ kế thừa những quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật 2015Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020. Tuy nhiên vẫn sẽ có một số quy định được đề xuất thay đổi, bổ sung để cho phù hợp với thực tiễn:

- Bổ sung một số khái niệm “Chính sách”; “Đánh giá tác động của chính sách”; “Biện pháp có tính chất đặc thù”; “Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật”; “Tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật”; “Văn bản quy định chi tiết”; “Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật”; “Rà soát văn bản quy phạm pháp luật”; “Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật”.

- Bổ sung cụ thể hơn nguyên tắc: Bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đúng đắn, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; Bảo đảm mọi đối tượng đều được thông tin chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu về văn bản quy phạm pháp luật trước khi thi hành; Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật với thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Bổ sung quy định đối với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

+ Trách nhiệm xin ý kiến của các cấp ủy đảng trong quá trình xây dựng VBQPPL, theo hướng làm rõ các trường hợp cần xin ý kiến, thời điểm, trách nhiệm xin ý kiến.

+ Bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực và trách nhiệm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật.

- Quy định rõ và cụ thể hơn thẩm quyền ban hành nghị quyết của Quốc hội; cân nhắc quy định Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

- Quy định rõ và cụ thể hơn thẩm quyền ban hành nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; cân nhắc quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Quy định rõ hơn về thẩm quyền ban hành lệnh và thẩm quyền ban hành quyết định của Chủ tịch nước, không quy định chung chung như quy định của Điều 17 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

- Cân nhắc quy định Chủ tịch nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật/văn bản hành chính để quy định/quyết định về tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, hoặc bãi bỏ tình trạng khẩn cấp căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bảo đảm phù với thực tiễn như trường hợp phòng, chống dịch Co-vid 19 vừa qua.

- Quy định rõ hơn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương theo hướng tập trung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp tỉnh, đặc biệt là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; hạn chế thẩm quyền ban hành của cấp huyện, bỏ thẩm quyền của cấp xã để tập trung vào nhiệm vụ thi hành các văn bản của cấp trên.

Trên đây chỉ là một số đề xuất thay đổi đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Xem thêm nội dung tại Đề cương chi tiết dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp.

Nguyễn Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết lên facebook 376

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079