Cập nhật Dự thảo Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng (thay thế Nghị định 15/2021/NĐ-CP) (Hình từ Internet)
Mới đây, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (thay thế Nghị định 15/2021/NĐ-CP) do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo đã cập nhật bản dự thảo mới nhất (Dự thảo 2).
Dự thảo Nghị định quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Dự thảo 2) |
Cụ thể, Dự thảo Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) về quản lý dự án đầu tư xây dựng, gồm: lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng; khảo sát xây dựng; cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng; hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng; xây dựng công trình đặc thù và thực hiện dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài; quản lý năng lực hoạt động xây dựng.
Về đối tượng áp dụng:
- Dự thảo Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
- Các tổ chức, cá nhân trong nước hoạt động đầu tư xây dựng tại nước ngoài thực hiện theo quy định riêng tại Mục 2 Chương V Dự thảo Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan.
- Đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thực hiện theo quy định của Dự thảo Nghị định này và pháp luật về quản lý sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; trường hợp quy định của điều ước quốc tế về vốn ODA đã được ký kết có quy định khác quy định của Dự thảo Nghị định này thì áp dụng theo điều ước quốc tế.
- Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước có hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin,việc quản lý đầu tư hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin đó thực hiện theo quy định tại pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Dự kiến Dự thảo Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Điều 12, điểm từ Phụ lục VI, Phụ lục VII Nghị định 35/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Nghị định 53/2017/NĐ-CP về quy định một số giấy tờ hợp pháp đất đai để cấp giấy phép xây dựng.
Các quy định trước đây của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương trái với Dự thảo Nghị định này đều bãi bỏ.
*Một số quy định chuyển tiếp trong trường hợp Dự thảo Nghị định này có hiệu lực:
- Đối với Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (gồm cả trường hợp thẩm định điều chỉnh) đã trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định trước ngày Dự thảo Nghị định này có hiệu lực thi hành và đủ điều kiện thẩm định thì cơ quan chuyên môn về xây dựng tiếp tục thực hiện thẩm định theo quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/6/2023.
- Dự án đầu tư xây dựng được xác định là dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công tại các văn bản pháp lý về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cơ quan có thẩm quyền trước thời điểm Dự thảo Nghị định này có hiệu lực, khi triển khai các bước tiếp theo thì tiếp tục được quản lý theo các quy định của Nghị định này đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công.
- Dự án đầu tư xây dựng quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 37/2010/NĐ-CP, khoản 4 Điều 10 Nghị định 44/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 72/2019/NĐ-CP) đã được phê duyệt đúng quy định pháp luật trước thời điểm Nghị định 35/2023/NĐ-CP có hiệu lực, trường hợp điều chỉnh dự án được tiếp tục sử dụng quy hoạch sử dụng làm căn cứ lập dự án mà không yêu cầu lập quy hoạch tổng mặt bằng theo quy định của Nghị định 35/2023/NĐ-CP.