Thông tin mới nhất về sửa đổi Nghị định 123 hóa đơn điện tử

11/06/2024 18:00 PM

Những nội dung mới nhất về sửa đổi Nghị định 123 về hóa đơn điện tử được đề cập tại Báo cáo của Bộ Tài chính về giải trình tiếp thu ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định hóa đơn.

Thông tin mới nhất về sửa đổi Nghị định 123 hóa đơn điện tử

Thông tin mới nhất về sửa đổi, bổ sung Nghị định 123 quy định hóa đơn điện tử (Hình từ internet)

Thông tin mới nhất về sửa đổi Nghị định 123 hóa đơn điện tử

Theo đó, qua Báo cáo này, đã tổng hợp, giải trình một số nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn từ các ý kiến của các đơn vị.

Dự thảo Nghị định sửa Nghị định 123

>>Xem thêm "Đề xuất bổ sung hành vi bị nghiêm cấm về hóa đơn điện tử theo Nghị định 123"

>>Xem thêm "Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm lập hóa đơn điện tử"

Sau đây là đơn cử một vài ý kiến của các đơn vị cũng như kết quả tiếp thu/giải trình của Bộ Tài chính:

(1) Đối với quy định giải thích về chứng từ

Nội dung sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị định:  Chứng từ là tài liệu dùng để ghi nhận thông tin về các khoản thuế khấu trừ, các khoản thu thuế, phí và lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật quản lý thuế; ghi nhận thông tin giao dịch liên quan đến tiền, đồng tiền quy ước trong hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh giải trí có đặt cược. Chứng từ theo quy định tại Nghị định này bao gồm chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, biên lai thuế, phí, lệ phí được thể hiện theo hình thức điện tử hoặc đặt in, tự in, chứng từ theo dõi, quản lý giao dịch liên quan đến tiền, đồng tiền quy ước trong hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh giải trí có đặt cược.

**Đối với nội dung này, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến như sau:

Bổ sung nội dung “chứng từ theo dõi, quản lý giao dịch liên quan đến tiền trong hoạt động hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam".

Trên thực tế hiện nay một số nhà cung cấp dịch vụ điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số (ví dụ như quảng cáo trên các nền tảng xã hội như: Google, Facebook...) đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79 Thông tư 80/2021/TT-BTC và trong đó nêu rõ giá trước thuế, tiền thuế GTGT và tổng tiền thanh toán. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam không được khấu trừ thuế GTGT theo các chứng từ trên.

**Giải trình/tiếp thu ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính cho biết:

Liên quan đến nhà cung cấp nước ngoài cần bổ sung tại Điều 2 dự thảo Nghị định về “Đối tượng áp dụng” và xem xét phương pháp tính thuế GTGT. Đồng thời sửa đổi điều kiện khấu trừ thuế tại Luật Thuế GTGT (nội dung này chưa lấy ý kiến, chưa đánh giá tác động).

Do đó, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông khi sửa pháp luật thuế GTGT.

(2) Về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

* Nội dung dự thảo lấy ý kiến rộng rãi bao gồm:

- Người bán phải lập hóa đơn trong các trường hợp sau:

+ Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;

+ Khi tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất nguyên vật liệu, thành phẩm, máy móc, công cụ, dụng cụ;

+ Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu;

+ Hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả lương thay cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ);

+ Nhận lại hàng hóa người mua trả lại (trừ trường hợp nhận lại hàng hoá theo quy định tại điểm d3, khoản 6 Điều 19 dự thảo Nghị định);

+ Chấm dứt hoặc hủy việc cung cấp dịch vụ;

+ Xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc nhận hoàn trả hàng hóa.

 Hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 dự thảo Nghị định, trường hợp sử dụng hóa đơn điện từ thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 dự thảo Nghị định.

- Khi khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, khi thu thuế, phí, lệ phí, tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế, tổ chức thu phí, lệ phí, tổ chức thu thuế phải lập chứng từ khấu trừ thuế, biên lai thu thuế, phí, lệ phí giao cho người có thu nhập bị khấu trừ thuế, người nộp thuế, nộp phí, lệ phí và phải ghi đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 32 dự thảo Nghị định. Trường hợp sử dụng chứng từ điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế. Trường hợp cá nhân ủy quyền quyết toán thuế thì không cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

* Đối với nội dung này, có 3 bộ ngành có ý kiến, cụ thể:

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

+ Sửa đổi điểm đ khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị định: Đề nghị xem xét bổ sung quy định làm rõ cách ghi các tiêu thức hóa đơn đối với hóa đơn nhận lại hàng hóa trả lại hoặc hóa đơn hủy bỏ dịch vụ;

+ Sửa đổi điểm e khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị định: Đề nghị xem xét sửa đổi nội dung "chấm dứt hoặc hủy việc cung cấp dịch vụ" thành "chấm dứt hoặc hủy bỏ việc cung ứng dịch vụ đã được lập hóa đơn" để Dự thảo rõ ràng hơn;

- Bộ KH&CN: Tại điểm c, Nghị định nên quy định rõ trong trường hợp nào thì người bán hủy việc cung cấp dịch vụ thì phải lập hóa đơn.

- Bộ GTVT: Đề xuất sửa đổi: "... Khi khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, khi thu thuế, phí, lệ phí, tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế, tổ chức thu phí, lệ phí, tổ chức thu thuế phải lập chứng từ khấu trừ thuế, biên lai thu thuế, phí, lệ phí giao cho người có thu nhập bị khấu trừ thuế, người nộp thuế, nộp phí, lệ phí và phải ghi đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 32 dự thảo Nghị định. Trường hợp sử dụng chứng từ điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế, trừ các trường hợp đặc thù thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính (Tổng Cục thuế).

* Giải trình/tiếp thu ý kiến của 03 bộ ngành trên, Bộ Tài chính cho biết:

- Tiếp thu ý kiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hoàn thiện khoản 1 Điều 4, khoản 4 Điều 19 dự thảo Nghị định

- Đã tiếp thu ý kiến Bộ KH&CN hoàn thiện tại dự thảo Nghị định khoản 1 Điều 4, khoản 4 Điều 19.

- Chưa rõ đặc thù là gì, do đó chưa có căn cứ tiếp thu ý kiến Bộ GTVT.

(3) Về quy định thời điểm lập hóa đơn

* Nội dung dự thảo lấy ý kiến rộng rãi như sau:

 Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Đối với trường hợp xuất khẩu hàng hóa (bao gồm cả gia công xuất khẩu), thời điểm lập hóa đơn không quả 24h kể từ thời điểm cơ quan hải quan xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.

* Với nội dung trên, UBND TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Đề xuất chuyển nội dung: “Đối với trường hợp xuất khẩu hàng hóa (bao gồm cả gia công xuất khẩu), thời điểm lập hóa đơn không quá 24h kể từ thời điểm cơ quan hải quan xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan." sang khoản 4 Điều 9 dự thảo Nghị định quy định thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể.

Lý do: vì khoản 1 Điều 9 dự thảo Nghị định quy định về nguyên tắc, không quy định về các trường hợp cụ thể.

* Giải trình/tiếp thu ý kiến của UBND TP Hà Nội, Bộ Tài chính cho biết:

Thời điểm lập hóa đơn đối với xuất khẩu hàng hóa sửa đổi, bổ sung như sau:

Trường hợp người bản đáp ứng điều kiện chuyển dữ liệu hóa đơn thương mại bằng phương thức điện tử đến cơ quan thuế (người bán đăng ký sử dụng hóa đơn thương mại điện tử, hóa đơn thương mại điện tử đáp ứng quy định về nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này và đáp ứng quy định về định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 dự thảo Nghị định) thì thời điểm lập hóa đơn thương mại điện tử do người bán tự xác định nhưng chậm nhất không quá ngày làm việc tiếp theo kế từ ngày hàng hóa được thông quan theo quy định pháp luật về hải quan và chuyển dữ liệu hóa đơn thương mại điện tử đến cơ quan thuế.

(4) Với quy định về nội dung hóa đơn

* Nội dung dự thảo lấy ý kiến rộng rãi như sau:

- Tên, địa chỉ, mã số thuế, mã số định danh của người mua

+ Trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua, trường hợp người mua được cấp mã số định danh theo quy định pháp luật về định danh và xác thực điện từ thị thể hiện mã số định danh của người mua. Một số trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho người tiêu dùng là cả nhân quy định tại khoản 14 Điều 10 dự thảo Nghị định này thì trên hóa đơn không phải thể hiện tên, địa chỉ người mua. Trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài đến Việt Nam thì thông tin về địa chỉ người mua có thể được thay bằng thông tin về số hộ chiếu hoặc giấy tờ xuất nhập cảnh và quốc tịch của khách hàng nước ngoài.

* Với nội dung này, có 02 đơn vị có ý kiến như sau:

- Bộ KH&CN: Trường hợp người mua được cấp mã số định danh theo quy định pháp luật về định danh và xác thực điện tử thì thể hiện mã số định danh của người mua => thể hiện tại mục nào trên hóa đơn?

- Cục Thuế thành phố Cần Thơ (tham gia theo công văn 3403/VPUB-KT ngày 11/9/2023 của UBND TP Cần Thơ): Đề xuất sửa:

"b) Trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua, trường hợp người mua được cấp mã số định danh theo quy định pháp luật về định danh và xác thực điện tử thì thể hiện mã số định danh của người mua, trường hợp người mua là khách lẻ không có nhu cầu lấy hóa đơn thì trên hóa đơn không phải thể hiện Tên, địa chỉ, mã số thuế, mã số định danh của người mua..."

Vì hiện nay nhiều người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn nên người bán sẽ không có được các thông tin của người mua để điền vào hóa đơn.

* Giải trình/tiếp thu ý kiến của 02 đơn vị trên, Bộ Tài chính cho hay:

- Đã tiếp thu hoàn thiện tại dự thảo Nghị định. Mã số định danh được hướng dẫn thể hiện tại trường "Mã số thuế" trên hóa đơn.

Tiếp thu ý kiến Cục Thuế thành phố Cần Thơ sửa đổi khoản 6 Điều 10  dự thảo Nghị định như sau:

“b) Trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua. Một số trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho người tiêu dùng là cá nhân quy định tại khoản 14 Điều này thì trên hóa đơn không phải thể hiện tên, địa chỉ người mua. Trường hợp bản hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài đến Việt Nam thì thông tin về địa chỉ người mua có thể được thay bằng thông tin về số hộ chiếu hoặc giấy tờ xuất nhập cảnh và quốc tịch của khách hàng nước ngoài. Trường hợp người mua cung cấp mã số thuế, số định danh cá nhân thì trên hóa đơn phải thể hiện mã số thuế, số định danh cá nhân.

Lê Nguyễn Anh Hào

Chia sẻ bài viết lên facebook 16,609

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079