Đề xuất căn cứ xác định nạn nhân của hành vi mua bán người

11/06/2024 15:44 PM

Bài viết dưới đây là nội dung đề xuất về các căn cứ xác định nạn nhân của hành vi mua bán người trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đề xuất căn cứ xác định nạn nhân của hành vi mua bán người

Đề xuất căn cứ xác định nạn nhân của hành vi mua bán người (Hình từ Internet)

Đề xuất căn cứ xác định nạn nhân của hành vi mua bán người

Theo quy định tại Điều 29 dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) thì căn cứ xác định nạn nhân của hành vi mua bán người bao gồm:

- Một người có thể được xác định là nạn nhân khi người đó là đối tượng của việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác theo quy định pháp luật về hình sự để thực hiện một trong các hành vi sau đây:

+ Chuyển giao người để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; trừ trường hợp chuyển giao người dưới 16 tuổi vì mục đích nhân đạo;

+ Tiếp nhận người để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; trừ trường hợp tiếp nhận người dưới 16 tuổi vì mục đích nhân đạo;

+ Chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

+ Tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

+ Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao người theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

- Việc xác định nạn nhân phải dựa vào các nguồn tài liệu, chứng cứ sau:

+ Tài liệu, chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp;

+ Thông tin, tài liệu do cơ quan giải cứu nạn nhân cung cấp;

+ Thông tin, tài liệu do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp;

+ Tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cung cấp;

+ Lời khai, tài liệu do nạn nhân cung cấp;

+ Lời khai, tài liệu do người thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cung cấp;

+ Lời khai, tài liệu do những người biết sự việc cung cấp;

+ Các thông tin, tài liệu hợp pháp khác.

- Trường hợp cơ quan chức năng không chứng minh được một người có phải là nạn nhân hay không, sau khi xác minh lý lịch, thời gian vắng mặt khỏi địa phương nơi họ cư trú, lý do vắng mặt phù hợp với lời khai của họ về việc là đối tượng của một trong những hành vi quy định tại khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) thì xem xét các căn cứ sau để xác nhận họ là nạn nhân:

- Người đó được phát hiện, giải cứu cùng với nạn nhân khác;

- Người đó đã có thời gian chung sống cùng với nạn nhân tại nơi các đối tượng thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) giam giữ, quản lý và bị đối xử như những nạn nhân này;

+ Biểu hiện về thể chất và tinh thần: Có dấu hiệu bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, bị đối xử tàn tệ, bị thương tích, sợ hãi, hoảng loạn, trầm cảm, ốm yếu;

+ Thời gian người đó rời khỏi địa phương nơi cư trú thì thân nhân của họ trình báo cơ quan chức năng về việc họ bị mất tích hoặc là đối tượng của một trong những hành vi quy định tại khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi);

+ Những thông tin hợp pháp khác giúp có cơ sở để tin rằng người đó là nạn nhân.

* Trong khi đó, hiện hành tại Điều 27 Luật Phòng, chống mua bán người 2011 quy định một người có thể được xác định là nạn nhân khí có một trong những căn cứ sau đây:

- Người đó là đối tượng bị mua bán, chuyển giao, tiếp nhận theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người 2011;

- Người đó là đối tượng bị tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

* Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 62/2012/NĐ-CP về căn cứ xác định nạn nhân của hành vi mua bán người như sau:

** Một người được xác định là nạn nhân khi họ là đối tượng của một trong những hành vi sau đây:

- Mua bán người: Coi người như một loại hàng hóa để trao đổi bằng tiền hoặc lợi ích vật chất khác;

- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để:

+ Ép buộc bán dâm;

+ Ép buộc làm đối tượng sản xuất băng, đĩa hình, sách, tranh, ảnh, lịch và những hình thức khác có nội dung tuyên truyền lối sống đồi trụy, khiêu dâm;

+ Ép buộc biểu diễn cho người khác xem thân thế mình với mục đích kích động tình dục;

+ Làm nô lệ tình dục;

+ Cưỡng bức lao động;

+ Lấy các bộ phận cơ thể một cách bất hợp pháp;

+ Ép buộc đi ăn xin;

+ Ép buộc làm vợ hoặc chồng;

+ Ép buộc đẻ con trái ý muốn của họ;

+ Ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

+ Vì mục đích vô nhân đạo khác.

- Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để thực hiện các hành vi quy định tại các Điểm a, b Khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2012/NĐ-CP hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

** Việc xác định nạn nhân phải dựa vào các nguồn tài liệu, chứng cứ sau:

- Tài liệu, chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp;

- Thông tin, tài liệu do cơ quan giải cứu nạn nhân cung cấp;

- Thông tin, tài liệu do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp;

- Tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cung cấp;

- Lời khai, tài liệu do nạn nhân cung cấp;

- Lời khai, tài liệu do người thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2012/NĐ-CP cung cấp;

- Lời khai, tài liệu do những người biết sự việc cung cấp;

- Các thông tin, tài liệu hợp pháp khác.

** Trường hợp cơ quan chức năng không chứng minh được một người có phải là nạn nhân hay không, sau khi xác minh lý lịch, thời gian vắng mặt khỏi địa phương nơi họ cư trú, lý do vắng mặt phù hợp với lời khai của họ về việc là đối tượng của một trong những hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2012/NĐ-CP thì xem xét các căn cứ sau để xác nhận họ là nạn nhân:

- Người đó được phát hiện, giải cứu cùng với nạn nhân khác;

- Người đó đã có thời gian chung sống cùng với nạn nhân tại nơi các đối tượng thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2012/NĐ-CP giam giữ, quản lý và bị đối xử như những nạn nhân này;

- Biểu hiện về thể chất và tinh thần: Có dấu hiệu bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, bị đối xử tàn tệ, bị thương tích, sợ hãi, hoảng loạn, trầm cảm, ốm yếu;

- Thời gian người đó rời khỏi địa phương nơi cư trú thì thân nhân của họ trình báo cơ quan chức năng về việc họ bị mất tích hoặc là đối tượng của một trong những hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2012/NĐ-CP;

- Những thông tin hợp pháp khác giúp có cơ sở để tin rằng người đó là nạn nhân.

Xem thêm dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Võ Tấn Đại

Chia sẻ bài viết lên facebook 269

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079