TPHCM được thí điểm thẩm quyền trong quản lý nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp

13/07/2024 11:56 AM

Chính phủ ban hành Nghị định 84/2024/NĐ-CP, có nội dung TPHCM được thí điểm thẩm quyền trong quản lý nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp.

TPHCM được thí điểm thẩm quyền trong quản lý nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp

TPHCM được thí điểm thẩm quyền trong quản lý nhà nước về về lao động, giáo dục nghề nghiệp (Hình từ internet)

Ngày 10/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 84/2024/NĐ-CP về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.

TPHCM được thí điểm thẩm quyền trong quản lý nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp

Cụ thể, tại Điều 10 Nghị định 84/2024/NĐ-CP đã quy định Quản lý nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp trong việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực của chính quyền TPHCM như sau:

Ủy ban nhân dân Thành phố có thẩm quyền:

- Tiếp nhận hồ sơ và cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho tổ chức có trụ sở chính trên địa bàn Thành phố (trừ các tổ chức huấn luyện do các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương quyết định thành lập) thực hiện chức năng huấn luyện Hạng C cho các đối tượng tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động được quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường cao đẳng thuộc phạm vi quản lý của Thành phố, bảo đảm tiêu chí, điều kiện theo quy định của Chính phủ.

- Thực hiện chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động; cấp, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép lao động đối với các trường hợp tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cho phép thành lập có trụ sở và hoạt động trên địa bàn Thành phố được quy định tại điểm a khoản 11 Điều 1 Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 30 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

08 nội dung thí điểm phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền TPHCM

Theo Điều 1 Nghị định 84/2024/NĐ-CP đã quy định về nội dung thí điểm phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) một số lĩnh vực sau:

(1) Quản lý nhà nước về đầu tư.

(2) Quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước.

(3) Quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

(4) Quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

(5) Quản lý nhà nước về y tế.

(6) Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.

(7) Quản lý nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp.

(8) Quản lý nhà nước về nội vụ.

Quy định về nguyên tắc phân cấp

Việc phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Thành phố) được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 và Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nội dung cụ thể sau:

- Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ trương của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố.

- Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của Chính phủ; phát huy trách nhiệm, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của Thành phố trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

- Phân cấp quản lý nhà nước gắn liền với việc tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của chính quyền Thành phố.

- Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực nhằm tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Thành phố, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, tạo sự chủ động và hoàn thiện cơ chế phân cấp cho chính quyền Thành phố.

- Phân cấp quản lý nhà nước đi đôi với việc thực hiện chương trình cải cách hành chính ở các cấp chính quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước của Thành phố; giải quyết kịp thời các khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân.

- Việc quy định hoặc điều chỉnh thủ tục hành chính liên quan đến nội dung phân cấp phải bảo đảm nguyên tắc sau:

+ Những nội dung phân cấp đã quy định thủ tục hành chính thì điều chỉnh chủ thể thực hiện thủ tục hành chính trên cơ sở hồ sơ và trình tự, thủ tục hiện hành, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính;

+ Những nội dung phân cấp chưa quy định thủ tục hành chính thì thực hiện theo trình tự, thủ tục hành chính do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định, bảo đảm đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.

(Điều 3 Nghị định 84/2024/NĐ-CP)

Xem thêm nội dung tại Nghị định 84/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/7/2024.

Lê Nguyễn Anh Hào

Chia sẻ bài viết lên facebook 565

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079