Nghiên cứu nâng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản

16/09/2024 08:27 AM

Nghiên cứu nâng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản là nội dung được đề cập tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 08/9/2024.

Nghiên cứu nâng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản

Nghiên cứu nâng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (Hình từ Internet)

Ngày 08/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ 8 năm 2024.

Nghiên cứu nâng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản

Cụ thể, nhằm tiếp tục ưu tiên tối đa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiên quyết tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển, Chính phủ đã yêu cầu thực hiện một số nội dung như sau:

(1) Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao:

- Nắm chắc tình hình thị trường, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường. Thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây tăng giá đột biến, nhất là thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao và tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai quy định về quản lý giá, thuế, phí, ổn định giá nguyên vật liệu, mặt hàng thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân; xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá.

Chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh dồn vào cùng một thời điểm, trong đó có giá điện, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, giá các dịch vụ giáo dục đào tạo, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

- Thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách nhà nước thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tiếp tục mở rộng cơ sở thu, nhất là thu các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nền tảng số nước ngoài, triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và tích cực, khẩn trương mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, nhất là dịch vụ ăn uống…; phấn đấu bằng được thu ngân sách nhà nước năm 2024 vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao.

- Tiếp tục đẩy mạnh tiết kiệm chi, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực bảo đảm cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.

Chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được giao theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ khi phân bổ cấp phát ở trung ương.

(2) Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong tham mưu, quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, bảo đảm thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư và các chính sách vĩ mô khác; theo dõi sát diễn biến, tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, không điều hành “giật cục”.

(3) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan:

- Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và hệ thống ngân hàng. Sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra.

- Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế và khắc phục hậu quả bão, lũ...

- Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội; nghiên cứu nâng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên khoảng 50 - 60 nghìn tỷ đồng.

(4) Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao:

- Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong phạm vi cho phép.

- Theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, góp phần bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Khai thác dư địa nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách còn thấp so với giới hạn cho phép để huy động thêm nguồn lực cho phát triển, nhất là đầu tư cho các công trình hạ tầng chiến lược quốc gia.

- Điều hành ngân sách bảo đảm nguồn dự phòng cho chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, trả lương, chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách phát sinh.

(5) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, kịp thời có giải pháp quản lý, điều tiết sản xuất, ổn định cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, năng lượng và các hàng hóa thiết yếu khác; bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, tuyệt đối không để thiếu hụt nguồn cung điện, xăng dầu trong mọi tình huống.

(6) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, nhất là vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, lũ, thiên tai, cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm.

(7) Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc triển khai quyết liệt, hiệu quả các chiến lược phát triển, kế hoạch sử dụng vốn cho sản xuất, kinh doanh đã đề ra, phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực đầu tư để đầu tư các dự án lớn trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.

Xem thêm tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 08/9/2024.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 439

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079