Hướng dẫn điều chỉnh dự toán hằng năm của ban quản lý dự án nhóm I từ 15/11/2024 (Hình từ Internet)
Ngày 01/10/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 70/2024/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Thông tư 70/2024/TT-BTC thì việc chỉnh dự toán hằng năm của ban quản lý dự án nhóm I được thực hiện như sau:
- Trong quá trình sử dụng, ban quản lý dự án nhóm I được chủ động điều chỉnh và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh số tiền giữa các nội dung chi trong phạm vi dự toán năm đã được duyệt. Trường hợp thu không đạt dự toán thì ban quản lý dự án nhóm I phải điều chỉnh dự toán chi cho phù hợp, đảm bảo dự toán chi không được vượt dự toán thu. Trường hợp dự toán thu hoặc dự toán chi hoặc cả dự toán thu và dự toán chi vượt dự toán thì phải thẩm định và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung.
- Ban quản lý dự án nhóm I chịu trách nhiệm rà soát, lập dự toán thu, chi điều chỉnh (nếu có) gửi chủ đầu tư để thẩm định, đảm bảo dự toán điều chỉnh (nếu có) phải được chủ đầu tư phê duyệt chậm nhất đến ngày 25/01 năm sau năm kế hoạch.
- Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt, nội dung thẩm định, thời gian thẩm định: Thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 9 Thông tư 70/2024/TT-BTC.
Nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định 10/2021/NĐ-CP bao gồm:
- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Điều 132 Luật Xây dựng 2014 và khoản 50 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, phù hợp với từng nguồn vốn để đầu tư xây dựng, hình thức đầu tư, phương thức thực hiện, kế hoạch thực hiện của dự án và quy định của pháp luật liên quan.
- Quy định rõ và thực hiện đúng quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của người quyết định đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng; quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, phù hợp với trình tự thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Xây dựng 2014.
- Nhà nước ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; quy định các công cụ cần thiết để chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan áp dụng, tham khảo trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, gồm: định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng; giá vật liệu xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, đơn giá nhân công xây dựng; thông tin, dữ liệu về chi phí đầu tư xây dựng các dự án, công trình xây dựng; các phương pháp xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đo bóc khối lượng, kiểm soát chi phí, định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng.
- Các dự án, công trình xây dựng đặc thù áp dụng các quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng và các cơ chế đặc thù theo quy định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
- Các dự án, công trình xây dựng phục vụ quốc phòng, an ninh, thẩm quyền, trình tự thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng, thẩm quyền, trình tự thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng trong thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
- Dự án, công trình xây dựng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan phù hợp với đặc thù về tính chất và điều kiện thực hiện công trình thuộc Chương trình.
- Các dự án, công trình đầu tư xây dựng tại nước ngoài thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo các nguyên tắc quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Xem thêm Thông tư 70/2024/TT-BTC có hiệu lực từ 15/11/2024.