Đề nghị xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam (Hình từ Internet)
Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 8709/VPCP-NN ngày 26/11/2024 đề nghị xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam.
Xét Tờ trình 7263/BNN-CCPT ngày 26/9/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc lập đề nghị xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến như sau:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan:
+ Làm rõ các căn cứ đề nghị xây dựng Nghị định, yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ cần phải điều chỉnh bằng Nghị định; cơ sở quy định của các thỏa thuận, hiệp định quốc tế Việt Nam đã tham gia và kinh nghiệm quốc tế.
+ Xác định rõ trường hợp xây dựng Nghị định theo quy định tại Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020); cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và quy định của pháp luật liên quan đến nhãn hiệu, thương hiệu.
- Về hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị xây dựng Nghị định: Thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020).
Xem thêm tại Công văn 8709/VPCP-NN ban hành ngày 26/11/2024.
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 11 Nghị định 57/2018/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở để bảo quản, chế biến nông sản như sau:
- Doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chế biến nông sản; cơ sở giết mổ; cơ sở chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp; cơ sở sản xuất sản phẩm phụ trợ được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:
+ Hỗ trợ cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm: 60% kinh phí đầu tư và không quá 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.
+ Hỗ trợ cơ sở sản xuất nhà máy cơ khí chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp và nhà máy sản xuất sản phẩm phụ trợ: 60% kinh phí đầu tư và không quá 05 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.
+ Các dự án đầu tư chế biến nông sản phải bảo đảm các điều kiện giá trị sản phẩm sau chế biến tăng ít nhất 1,5 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu.
- Hỗ trợ bảo quản nông sản
Doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở bảo quản nông sản (gồm sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản sinh học) được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:
+ Mức hỗ trợ 70% chi phí đầu tư nhưng không quá 02 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhà xưởng và mua thiết bị.
+ Điều kiện hỗ trợ:
++ Công suất cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, lâm sản phải đạt tối thiểu 100 tấn sản phẩm/ngày; sấy phụ phẩm thủy sản đạt tối thiểu 50 tấn sản phẩm/ngày.
++ Bảo quản rau, hoa quả tươi, chè, hạt tiêu, hạt điều đạt 1.000 tấn kho; bảo quản lưu trữ giống cây trồng đạt công suất 100 tấn kho.