Trong đó, 2 Bộ đề xuất phân hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp học nói trên thành 3 hạng với những tiêu chuẩn cụ thể.
Ảnh minh họa |
Chức danh nghề nghiệp của giáo viên tiểu học, THCS, THPT thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên, được sử dụng làm căn cứ để thực hiện công tác quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên.
Tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp của giáo viên bao gồm: tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo chức danh nghề nghiệp, liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nội vụ sẽ phân loại giáo viên tiểu học, THCS, THPT thành 3 hạng với các cấp độ từ thấp đến cao.
Cụ thể, cấp tiểu học và trung học cơ sở gồm 3 hạng từ hạng IV-II (hạng IV là hạng thấp nhất); riêng giáo viên cấp trung học phổ thông được phân thành 3 hạng từ III-I (trong đó, hạng I là hạng cao nhất).
2 loại giáo viên tiểu học hạng IV
Theo dự thảo của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nội vụ, giáo viên tiểu học hạng IV có hai loại: giáo viên tiểu học hạng IV trình độ trung cấp và giáo viên tiểu học hạng IV trình độ cao đẳng với những tiêu chuẩn cụ thể về đạo đức nghề nghiệp, trình độ đào tạo, bổi dưỡng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Trong đó, giáo viên tiểu học hạng IV trình độ trung cấp tối thiểu có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học hoặc trung cấp sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy; giáo viên tiểu học hạng IV trình độ cao đẳng tối thiểu có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tiểu học hoặc cao đẳng sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy.
Đồng thời, biết ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giảng dạy và giáo dục học sinh tiểu học; thực hiện bồi dưỡng thường xuyên hàng năm có kết quả trung bình trở lên; có trình độ ngoại ngữ bậc 1; giáo viên ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai bậc 2 hoặc biết sử dụng tiếng dân tộc trong giảng dạy, giáo dục học sinh ở vùng dân tộc thiểu số.
Giáo viên THPT hạng I có bằng thạc sỹ
Với giáo viên THPT hạng I, theo liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nội vụ, những giáo viên này tối thiểu có bằng tốt nghiệp thạc sỹ đúng hoặc phù hợp với môn học giảng dạy; có bằng thạc sỹ quản lý giáo dục nếu là phó hiệu trưởng; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông nếu không có bằng đại học sư phạm; có khả năng phổ biến kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học và giáo dục học sinh trung học phổ thông cho đồng nghiệp.
Những giáo viên này cũng phải có có trình độ ngoại ngữ bậc 3; giáo viên ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai bậc 3; hoặc sử dụng thành thạo tiếng dân tộc để giảng dạy, giáo dục học sinh ở vùng dân tộc thiểu số; có chứng chỉ bồi dưỡng Tiêu chuẩn chức danh giáo viên THPT hạng I; thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên hàng năm đạt loại giỏi; có thâm niên ở chức danh giáo viên THPT hạng II từ 3 năm trở lên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, văn bản khi được ban hành sẽ tác động trực tiếp đến các cơ sở giáo dục phổ thông, các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trong toàn quốc. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong nhận được ý kiến của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân trong và ngoài nước để kịp tổng hợp và hoàn thiện văn bản.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý 3 dự thảo này trên website của Bộ.
Tuệ Văn
Theo Báo điện tử Chính phủ