Công tác quản lý về an ninh trật tự trong phòng chống mua bán người từ 01/7/2025

16/12/2024 12:00 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về công tác quản lý về an ninh trật tự trong phòng chống mua bán người từ 01/7/2025.

Công tác quản lý về an ninh trật tự trong phòng chống mua bán người từ 01/7/2025 (Hình từ internet)

Ngày 28/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Phòng chống mua bán người 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025) quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

Công tác quản lý về an ninh trật tự trong phòng chống mua bán người từ 01/7/2025

Theo đó, cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý về an ninh trật tự có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Quản lý đăng ký cư trú, quản lý xuất nhập cảnh trên địa bàn, nắm rõ biến động dân cư có liên quan đến hoạt động mua bán người;

- Quản lý, giám sát đối tượng đã từng bị kết án về tội mua bán người và đối tượng khác có dấu hiệu thực hiện hành vi mua bán người theo quy định của pháp luật;

- Quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác; việc định danh và xác thực điện tử; thông tin về tàng thư, lý lịch tư pháp phục vụ công tác phòng, chống mua bán người;

- Tuần tra, kiểm soát tại biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển và hải đảo nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người;

- Quản lý chặt chẽ mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính để phòng, chống mua bán người;

- Quản lý công tác cấp giấy tờ tùy thân, giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong việc làm, cấp phát, quản lý giấy tờ tùy thân và giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh để phòng, chống mua bán người;

- Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia có chung đường biên giới trong việc tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu để phòng, chống mua bán người.

(Điều 9 Luật Phòng chống mua bán người 2024)

Nguyên tắc phòng chống mua bán người từ 01/7/2025

Điều 4 Luật Phòng chống mua bán người 2024 nêu rõ nguyên tắc phòng chống mua bán người như sau: 

- Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; bảo đảm bình đẳng giới.

- Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa mua bán người; phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi quy định tại Điều 3 Luật Phòng chống mua bán người 2024.

- Giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân kịp thời, chính xác; giữ bí mật thông tin và không xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

- Bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được và được hưởng chế độ hỗ trợ phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của họ.

- Tùy từng trường hợp cụ thể và theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là hệ quả trực tiếp của hành vi mua bán người có thể không bị xử lý hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người.

- Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp liên ngành, chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống mua bán người trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp 2013, phù hợp với pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế.

Luật Phòng chống mua bán người 2024 thay thế Luật Phòng chống mua bán người 2011.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 70

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079