Đã có Luật Phòng chống mua bán người 2024

13/12/2024 11:49 AM

Ngày 28/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống mua bán người 2024, gồm 08 chương, 63 điều, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Đã có Luật Phòng chống mua bán người 2024

Đã có Luật Phòng chống mua bán người 2024

Ngày 28/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống mua bán người 2024.

Đã có Luật Phòng chống mua bán người 2024

Luật Phòng chống mua bán người 2024 gồm 08 chương, 63 điều (tăng 05 điều so với Luật hiện hành).

Luật Phòng chống mua bán người 2024 quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Phòng chống mua bán người 2024:

(1) Mua bán người theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống mua bán người 2024, cụ thể:

Mua bán người là hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.

 Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là mua bán người ngay cả khi không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.

(2) Thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai.

(3) Cưỡng bức, môi giới hoặc xúi giục người khác thực hiện hành vi quy định tại (1) và (2).

(4) Đe dọa, trả thù nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của họ, người làm chứng, người tố giác, báo tin, tố cáo, khai báo hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại Điều này.

(5) Dung túng, bao che, tiếp tay, cản trở, can thiệp, không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán người.

(6) Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện hành vi trái pháp luật.

(7) Cản trở việc giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

(8) Cản trở việc phát hiện, tố giác, báo tin, tố cáo, khai báo, xử lý hành vi quy định tại Điều này.

(9) Xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

(10) Tiết lộ thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(11) Giả mạo là nạn nhân.

(12) Hành vi khác vi phạm quy định của Luật Phòng chống mua bán người 2024.

Về chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người:

- Phòng, chống mua bán người là nội dung của chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội.

- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.

- Ưu tiên ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống mua bán người; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống mua bán người.

- Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật.

- Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật.

- Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có tình hình mua bán người diễn biến phức tạp.

Xem thêm tại Luật Phòng chống mua bán người 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 và thay thế Luật Phòng chống mua bán người 2011, trừ trường hợp quy định tại Điều 63 Luật Phòng chống mua bán người 2024.

Điều 63. Quy định chuyển tiếp

Người được xác định là nạn nhân trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và người dưới 18 tuổi đi cùng thì được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người số 66/2011/QH12.

Chia sẻ bài viết lên facebook 399

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079