Tình trạng cơ quan chức năng ra sức chống, nhưng hàng lậu vẫn tràn ngập thị trường một lần nữa được nêu lên khá bức xúc trong buổi làm việc giữa Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng cục Hải quan và các ban ngành chiều 21/7.
Báo cáo Phó thủ tướng, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lận, gian lận thương mại và hàng giả, ông Nguyễn Tiến Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công An) cho biết trong 6 tháng đầu năm, số vụ buôn lậu phát hiện vẫn tăng so với cùng kỳ. "Tuy lực lượng chức năng tỏ ra kiên quyết, song các biện pháp chưa đủ sức răn đe, trấn áp vì thiếu đồng bộ, trong khi đây lại là hành vi siêu lợi nhuận với những người tham gia", vị này nhận định.
Hàng lậu bị bắt tại cảng TP HCM. Ảnh: Đình Phúc |
Chịa sẻ với quan điểm trên, Thứ trưởng Tài chính - Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết tại một số khu phi thuế quan, không có hàng rào biên giới hiện có quy định cho phép người dân được bán hàng miễn thuế, được hoàn VAT. Ông cho rằng đây chính là sơ hở lớn.
"Mỗi gia đình trung bình có 4 người, mỗi ngày 'gánh' 8 triệu mà vẫn được coi là hợp pháp thì ngày nào cũng sẽ đi cõng hàng", ông Tuấn nói. Ông đề nghị để chấm dứt tình trạng người dân đua mang vác hàng lậu theo kiểu kiến tha lâu ngày đầy tổ, cần quy định đánh thuế với loại hàng hóa này, trừ những đồ được người dân địa phương tiêu dùng trực tiếp.
Đồng tình với quan điểm này, một số đại biểu tại các tỉnh biên giới, cần siết lại quy định người dân đủ 18 tuổi trở lên được phép mang hàng miến thuế không quá 2 triệu đồng một lần qua biên giới. Cơ quan chức năng còn cho biết ở một số địa phương, liên ngành đã phải xây tường trên núi để giảm tình trạng gùi hàng. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chưa thực sự hiệu quả vì chặn nơi này, hàng lậu lại tuồn qua nơi khác.
Để giải quyết vấn đề, ông Nguyễn Tiến Lực cho rằng ngoài việc chặn đầu ở biên giới, chống hàng lậu còn phải nằm ở khâu tiêu thụ. "Không tiêu thụ được, cứ bày bán ra là bắt, tiêu hủy thì các cửa khẩu cũng không nhập về làm gì. Như thế mới là chống. Tôi chưa thấy một nơi nào như như ở Việt Nam, thuốc lá lậu bán tràn lan đầy đường, ai mua cũng được”, ông Lực nói.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận không riêng thuốc lá, đối với hàng giả, hàng nhái, hàng lậu cũng không nơi nào bán công khai như ở Việt Nam.
Ông nhận định, 6 tháng đầu năm, giá trị hàng hoá trong các vụ việc phát hiện tăng 14% so với cùng kỳ, cho thấy hình thức buôn lậu ngày càng tinh vi phức tạp. Phó thủ tướng cho rằng, tình trạng hàng lậu, hàng giả tràn lan trên thị trường không những gây bức xúc cho người dân, mà còn phá hoại nền sản xuất trong nước, gây thất thu ngân sách.
Theo Phó thủ tướng, hành vi buôn lậu thường đi liền với tham nhũng tiêu cực nên trong thời gian tới cần kiên quyết xử lý cán bộ bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu. "Thậm chí, xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến chế tài, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cần phải bịt một số sơ hở về chính sách. Theo ông Tuấn, với hàng Trung Quốc, thời gian tới Việt Nam phải có giải pháp phù hợp, nhất là kiểm tra 100% đối với 6 mặt hàng chủ yếu là thép, phân bón, hoá chất, đồ ăn gia súc, bách hoá... Còn tại biên giới phía Tây Nam, các mặt hàng tập trung bao gồm thuốc lá, rượu và đường.
Liên quan đến tình trạng hàng lậu được xách tay về tràn lan qua đường hàng không, Thứ trưởng cũng yêu cầu ngành hải quan không phép được lơ là. Mỗi ngày có khoảng 280-300 chuyến bay quốc tế, số phi công, tiếp viên di chuyển mỗi ngày là 4.500 người. “Mỗi ngày, mỗi nhân viên này chỉ cần trốn thuế một triệu đồng thì ngân sách mỗi năm cũng đã mất đi gần 2.000 tỷ. Trong khi đó, con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều”, ông Tuấn nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Bá Trình, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cũng cho rằng, để ngăn chặn việc hàng xách tay trở thành mặt hàng giao dịch phổ biến như hiện nay cần siết chặt quy định đối với nhân viên hàng không về số lượng, giá trị được phép vận chuyển mỗi năm.
Đến ngày 15/6, các đơn vị trong ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ 8.915 vụ vi phạm, trị giá vi phạm ước tính gần 169 tỷ đồng, khởi tố 33 vụ án hình sự... Đặc biệt, đã bắt giữ một vụ buôn lậu xăng dầu tạm nhập tái xuất lớn, tịch thu 1.650 tấn, 422.000 lít và 1.640 m3 dầu, với khoảng 70 tỷ đồng tiền thuế. Bên cạnh đó, hải quan đã xử lý 22 đơn vị lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng xuất khẩu để chiếm đoạt thuế với số thuế gian lận ước tính hơn 1.000 tỷ đồng; bắt quả tang Công ty Thực phẩm Sài Gòn khai báo sai và xuất khống nhằm chiếm đoạt 70 tỷ đồng tiền thuế VAT... |
Ngọc Tuyên