Kể từ 01/5/2025, 63 tỉnh thành phố phải gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ (Hình từ internet)
Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 3, triển khai nhiệm vụ công tác quý II và tháng 4 của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý kể từ ngày 01/5/2025, khối lượng công việc sẽ rất lớn khi 63 tỉnh, thành phố gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cùng thời điểm.
Đồng thời, Bộ Nội vụ cần phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các Bộ, ngành điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo việc vận hành của chính quyền địa phương hai cấp, sau khi không còn cấp huyện.
- Căn cứ định hướng phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chính phủ phân công Uỷ ban nhân dân của 01 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
- Hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm có:
+ Tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh;
+ Đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này
+ Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
+ Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
+ 02 bản đồ, gồm: 01 bản đồ về hiện trạng địa giới các ĐVHC cấp tỉnh có liên quan; 01 bản đồ về phương án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh.
+ Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
- Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải được lấy ý kiến Nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn cấp tỉnh thực hiện sắp xếp theo quy định tại Điều 11 của Nghị quyết này.
- Sau khi có kết quả lấy ý kiến Nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) có trách nhiệm hoàn thiện đề án và gửi Hội đồng nhân dân cùng cấp để xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cơ quan chủ trì) tổng hợp báo cáo chung trên cơ sở báo cáo kết quả của UBND cấp tỉnh cùng sáp nhập (cơ quan phối hợp).
- Trên cơ sở Hồ sơ đề án của UBND cấp tỉnh, Bộ Nội vụ tổng hợp, xây dựng Đề án của Chính phủ trình Quốc hội.
- Hồ sơ Đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải được Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
(Điều 9 dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính)
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn có tính đến định hướng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để bảo đảm tính kết nối, đồng bộ giữa các xã, phường trực thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp.
- Hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, gồm có:
+ Tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã;
+ Đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị quyết này;
+ Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
+ Dự thảo nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
+ 02 bản đồ, gồm: 01 bản đồ về hiện trạng địa giới của tất cả các ĐVHC cấp xã có liên quan; 01 bản đồ về phương án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã.
+ Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
- Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải được lấy ý kiến Nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp. Việc lấy ý kiến Nhân dân thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Nghị quyết này.
- Sau khi có kết quả lấy ý kiến Nhân dân. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức hoàn thiện đề án và gửi Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.
- Bộ Nội vụ thẩm định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của từng địa phương trước khi trình Chính phủ; xây dựng Đề án của Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
- Hồ sơ Đề án của Chính phủ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải được Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
(Điều 10 dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính)