Hiện nay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới nhất là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 (có hiệu lực từ ngày 01/4/2025).
Luật này quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung cơ bản về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025.
Trong đó, quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong phạm vi cả nước hoặc trong đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.
Văn bản quy phạm pháp luật là gì? (Hình từ internet)
Theo Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm có:
1. Hiến pháp.
2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
5. Nghị định, nghị quyết của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước.
9. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
10. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
11. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
12. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
13. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
14. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Việc đề nghị, quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn được thực hiện trước hoặc trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
- Trường hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 khi được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thì không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách.
- Văn bản đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn bao gồm các nội dung sau đây:
+ Sự cần thiết ban hành, trong đó nêu rõ vấn đề phát sinh trong thực tiễn, dự báo tác động tiêu cực đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và hậu quả có thể xảy ra nếu không kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết;
+ Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng;
+ Dự kiến nội dung chính của văn bản quy phạm pháp luật;
+ Căn cứ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này.
- Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn được thực hiện như sau:
+ Cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức việc soạn thảo;
+ Cơ quan chủ trì soạn thảo có thể đăng tải dự thảo trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình, trừ trường hợp điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác; có thể lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và thực hiện truyền thông nội dung dự thảo. Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì thời hạn lấy ý kiến ít nhất là 03 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị tham gia góp ý kiến.
- Việc thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn được thực hiện như sau:
+ Hồ sơ gửi thẩm định dự thảo gồm văn bản đề nghị thẩm định, dự thảo tờ trình; dự thảo văn bản; bản so sánh dự thảo sửa đổi, bổ sung, thay thế với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện hành; bản tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có);
+ Hồ sơ gửi thẩm tra gồm tờ trình, dự thảo văn bản, báo cáo thẩm định và báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định; bản so sánh dự thảo sửa đổi, bổ sung, thay thế với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện hành; bản tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có);
+ Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thẩm định, cơ quan thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra dự án. Đối với dự án có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì thời gian thẩm định không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ;
+ Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình ý kiến thẩm định, thẩm tra. Trường hợp cơ quan thẩm định kết luận dự án chưa đủ điều kiện trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo phải tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự án để thẩm định lại. Trường hợp cơ quan chủ trì thẩm tra có ý kiến dự án chưa đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trả lại hồ sơ cho cơ quan trình dự án để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện.
- Hồ sơ xem xét, thông qua dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn được thực hiện như sau:
+ Hồ sơ trình dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm tờ trình, dự thảo, bản so sánh dự thảo sửa đổi, bổ sung, thay thế với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện hành, báo cáo thẩm định, báo cáo thẩm tra;
+ Hồ sơ trình dự thảo lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, dự thảo thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, dự thảo thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, dự thảo thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước, dự thảo thông tư liên tịch bao gồm tờ trình, dự thảo, các tài liệu khác (nếu có);
+ Hồ sơ trình dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân, dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân thực hiện theo quy định của Chính phủ.
- Trình tự xem xét, thông qua được quy định như sau:
+ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết tại kỳ họp gần nhất theo trình tự quy định tại Điều 40 của Luật này;
+ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo pháp lệnh, nghị quyết tại phiên họp gần nhất theo trình tự quy định tại Điều 42 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025;
+ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, ký ban hành văn bản thuộc thẩm quyền;
+ Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xem xét, thông qua văn bản thuộc thẩm quyền.