Đề xuất thời hạn xem xét khởi kiện của Viện kiểm sát đối với các vụ án dân sự công ích

10/04/2025 17:30 PM

Dưới đây là bài viết về việc đề xuất thời hạn xem xét khởi kiện của Viện kiểm sát đối với các vụ án dân sự công ích.

Đề xuất thời hạn xem xét khởi kiện của Viện kiểm sát đối với các vụ án dân sự công ích (Hình từ Internet)

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự công ích.

dự thảo Nghị quyết thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự công ích

1. Đề xuất thời hạn xem xét khởi kiện của Viện kiểm sát đối với các vụ án dân sự công ích

Căn cứ Điều 16 dự thảo Nghị quyết quy định về thời hạn xem xét khởi kiện của Viện kiểm sát đối với các vụ án công ích như sau:

- Thời hạn Viện kiểm sát xem xét khởi kiện là 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. 

- Trường hợp chuyển giao cho Viện kiểm sát khác để khởi kiện thì thời hạn Viện kiểm sát nhận chuyển giao xem xét khởi kiện được tính từ ngày nhận được vụ án.

Đối với các vụ án lớn, phức tạp cần kéo dài thời hạn xem xét khởi kiện thì thời hạn xem xét khởi kiện được gia hạn tối đa 01 tháng; nếu cần tiếp tục gia hạn thì phải báo cáo Viện kiểm sát cấp trên để xem xét, quyết định nhưng tổng thời hạn không quá 06 tháng. 

- Thời gian chờ kết quả giám định, định giá, kiểm toán, khám nghiệm, ý kiến chuyên gia không tính vào thời hạn xem xét khởi kiện.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong giải quyết các vụ việc dân sự

Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, VKSND có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu;

- Kiểm sát việc thụ lý vụ việc dân sự;

- Kiểm sát việc Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ; yêu cầu Tòa án xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự hoặc tự mình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc thực hiện quyền kháng nghị;

- Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án;

- Kiểm sát kết quả phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải;

- Nghiên cứu hồ sơ vụ việc;

- Tham gia phiên tòa, phiên họp; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa, phiên họp, người tham gia tố tụng tại phiên tòa, phiên họp; phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc tại phiên tòa, phiên họp;

- Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án;

- Yêu cầu Tòa án cùng cấp hoặc cấp dưới chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị;

- Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật;

- Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoãn thi hành bản án, quyết định của Tòa án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khi thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

- Tiếp nhận, giải quyết đơn đề nghị, thông báo, kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, thủ tục đặc biệt;

- Kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (HĐTP TAND) tối cao theo thủ tục đặc biệt;

- Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật; kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước và thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị khác theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật.

(Theo Điều 4 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự ban hành kèm theo Quyết định 364/QĐ-VKSTC năm 2017)

Nguyễn Thị Mỹ Quyền

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 23

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079