Cần đạo luật riêng về xử lý nợ xấu

27/09/2014 16:01 PM

Theo các chuyên gia tham dự Diễn đàn Kinh tế Mùa thu hôm nay, 27/9, việc e ngại khi tính toán lại nợ xấu theo chuẩn mực quốc tế, cũng như công bố các thông tin về nợ xấu và sở hữu chéo chỉ làm tăng nguy cơ phát bệnh trầm trọng hơn trong tương lai. Việt Nam cần có đạo luật riêng về xử lý nợ xấu

Xử lý nợ xấu nguy cơ khó khăn hơn

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu ngày 27/9, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, nếu các biện pháp tự xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nợ không được hỗ trợ tích cực bởi sự phục hồi kinh tế, thì nợ xấu tiềm ẩn rất lớn, xử lý khó khăn hơn và có nguy cơ tăng mạnh

Lý giải về số nợ xấu của các ngân hàng gia tăng trong 6 tháng đầu năm và tăng đột biến trong tháng 6/2014, theo ông Kiên, phần đến từ việc áp dụng các quy định tại Thông tư 02. Mặt khác, cũng do nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn nội tại của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa phục hồi, tình trạng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tiếp tục tăng.

Cùng đó, việc bán, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn do khuôn khổ pháp lý nhiều bất cập, thị trường bất động sản chậm phục hồi và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

“Các giải pháp được triển khai trong thời gian qua chủ yếu là ngân hàng tự xử lý nợ xấu đã làm giảm mức độ lành mạnh tài chính, hiệu quả kinh doanh trong ngắn hạn. Nếu các biện pháp tự xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nợ không được hỗ trợ tích cực bởi sự phục hồi kinh tế, thì nợ xấu tiềm ẩn rất lớn, xử lý khó khăn hơn và có nguy cơ tăng mạnh”, ông Kiên nhận định.

Theo đại diện Ủy ban Kinh tế, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua, về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) yếu kém. Đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đáp ứng mức vốn pháp định, trừ 2 ngân hàng liên doanh thiếu vốn điều lệ đang được tái cơ cấu.

Để xử lý triệt để vấn đề nợ xấu của ngân hàng, ông Kiên cho rằng, cần tiếp tục tập trung xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến sở hữu chéo, đầu tư chéo.

Cùng đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sở hữu vốn điều lệ, việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng cổ phiếu, việc cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Kiên cũng đề xuất nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế cho phép NHNN tiếp nhận phần vốn thoái của doanh nghiệp Nhà nước tại ngân hàng nhằm hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đồng thời, góp phần xử lý vấn đề sở hữu chéo của tổ chức tín dụng.

Bế tắc xóa sở hữu chéo

Chỉ ra 4 vấn đề khác nhau trong việc tái cơ cấu ngành ngân hàng, GS Trần Thọ Đạt cho rằng, thời gian qua, ngành ngân hàng mới chỉ giải quyết được việc “dọn dẹp” phần lớn nợ xấu về một đầu mối VAMC với vai trò như một “kho” lưu giữ nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo báo cáo của VAMC, tính đến hết tháng 8/2014, công ty đã mua được 59.511 tỷ đồng nợ gốc từ 35 tổ chức tín dụng. Tuy vậy, cho đến nay VAMC chưa bán được một khoản nợ xấu nào.

Với cơ chế như hiện nay, sau khi mua lại nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, VAMC thực hiện ủy quyền thu hồi nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. Như vậy, có thể khẳng định việc cơ cấu tài chính của các các tổ chức tín dụng thông qua xử lý thu hồi nợ xấu vẫn đang trong tình trạng bế tắc trong khi áp lực gia tăng nợ xấu ngày càng lớn.

Theo ông Đạt, trong khi các giải pháp xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều vướng mắc, việc xử lý sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng còn lúng túng và không đạt hiệu quả. Hiện xử lý sở hữu chéo đang là một trong hai vấn đề nổi cộm và nan giải nhất của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bên cạnh việc xử lý nợ xấu.

“Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đang tồn tại 6 nhóm sở hữu chéo khác nhau. Tới nay, sở hữu chéo đã có xu hướng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc giải quyết sở hữu chéo trong các TCTD chậm trễ là một trong những cản trở lớn nhất đến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam hiện nay”, ông Đạt cho biết.

Một trong những giải pháp cơ bản và hiệu quả nhất được NHNN kỳ vọng để xử lý triệt để sở hữu chéo là yêu cầu các ngân hàng trong liên minh tiến hành sáp nhập hoặc hợp nhất. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2013 mới chỉ có 2 trường hợp sáp nhập và hợp nhất do quan hệ sở hữu chéo.

Cũng theo ông Đạt, một số ý kiến cho rằng, giải pháp dựa vào thị trường để tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém làm tăng tính nghiêm trọng và phức tạp của tình trạng sở hữu chéo.

Theo nguyên tắc “tuyệt đối không dùng tiền của nhà nước để tái cấu trúc mà cần tiền thực của khu vực tư nhân”, nhưng nếu tiền thực của khu vưc tư nhân không có, mà vẫn phải thực hiện mua bán, hợp nhất hay sáp nhập trên hình thức thì tiền ảo của khu vực tư nhân phải được sử dụng.

Điều đó có nghĩa, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém sẽ làm gia tăng tính nghiêm trọng và phức tạp của tình trạng sở hữu chéo hiện nay hay nói cách khác chúng ta đối mặt với thực tế đang dùng sở hữu chéo để tái cấu trúc ngân hàng.

Đối với hệ thống các ngân hàng của Việt Nam, căn bệnh lớn nhất hiện nay là vấn đề nợ xấu và sở hữu chéo. Việc e ngại khi tính toán lại nợ xấu theo chuẩn mực quốc tế cũng như công bố các thông tin về nợ xấu và sở hữu chéo chỉ làm tăng nguy cơ phát bệnh trầm trọng hơn trong tương lai. Mục tiêu và các thứ tự ưu tiên của các giải pháp cần phải được xác lập lại.

Theo ông Đạt, năm 2015 nên tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu của các ngân hàng thông qua tạo dựng hành lang pháp lý đủ thẩm quyền và khả thi cho VAMC và xử lý vấn đề sở hữu chéo.

“Cần thay đổi chiến lược và biện pháp mua bán sáp nhập các tổ chức tín dụng như hiện nay từ hình thức “tự nguyện” sang “bắt buộc”. Thậm chí, cho tuyên bố phá sản một số ngân hàng yếu kém để làm thanh lọc hệ thống.

Ngoài ra, VAMC cần có được những quyền hạn đặc biệt như có một đạo luật riêng về xử lý nợ xấu, giúp giảm thiểu các vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu và đẩy nhanh tốc độ mua bán nợ.

Theo đó, VAMC cần có quyền hạn đủ lớn để tịch thu tài sản đảm bảo, bao gồm cả bất động sản, mà không cần phải thông qua tòa án”, ông Đạt đề xuất.

Theo ông Kiên, kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, để tiến hành cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả, hầu hết các nước đều lập quỹ tái cấu trúc ngân hàng.

Quỹ này sẽ bao gồm các chi phí trong quá trình tái cấu trúc như cấp tiền cho quỹ bảo hiểm tiền gửi, hỗ trợ tài chính các ngân hàng yếu kém trước khi tiến hành sáp nhập và hợp nhất với các ngân hàng tốt.

Tùy vào quy mô nền kinh tế của từng quốc gia nói chung và quy mô của khu vực ngân hàng nói riêng, chi phí cho tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là khác nhau.

Phạm Tuyên

Theo Tiền Phong

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,209

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079