Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 9

01/10/2014 08:24 AM

Ngày 30/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 9/2014, cung cấp một số thông tin về phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra trong hai ngày 29-30/9.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì phiên họp báo. Cùng dự có Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và lãnh đạo một số bộ, ngành.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9 trong 2 ngày, tập trung vào tình hình triển khai các công việc 9 tháng và tháng 9 để báo cáo Ban chấp hành Trung ương cho ý kiến, sau đó báo cáo tại phiên họp Quốc hội sắp khai mạc vào ngày 20/10.

Kỳ họp này, Chính phủ có mời 2 đại biểu quan trọng là ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI để báo cáo một số vấn đề về thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để tiếp tục đưa doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn. Chính phủ cũng mời Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê báo cáo tình hình điều tra một số số liệu thời gian qua dư luận quan tâm.

Về tình hình chung, Chính phủ thống nhất tình hình tháng 9 và 9 tháng kinh tế tăng trưởng tương đối theo hướng bền vững, dù chưa có gì đột phá nhưng trên đà này có thể nói cuối năm nay sẽ đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Về GDP, tháng trước nói cố gắng đạt 5,8% thì đến giờ này có thể thấy chỉ số đó là khả thi. Trong quá trình thảo luận, một số đại biểu tham gia thảo luận và thành viên Chính phủ nhận định nếu nỗ lực hơn thì có thể đạt 5,9% hoặc hơn. Đó là tín hiệu vui, thành công này là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong đó có cộng đồng doanh nghiệp.

Tình hình các hoạt động khác về văn hóa-xã hội nói chung được bảo đảm, an ninh quốc phòng được giữ vững. Trong 9 tháng đầu năm, thành tựu lớn nhất là giữ yên được đất nước trong bối cảnh nhiều thử thách. Nếu không có những thử thách đó thì tình hình KTXH tăng trưởng có thể khả quan hơn nữa.

Tuy nhiên, trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng lưu ý mặc dù kinh tế tăng tưởng với tốc độ như vậy, đồng đều như vậy nhưng không được thỏa mãn, chủ quan mà phải nhìn nhận hết những mặt tốt để phát huy, những yếu kém, những mặt chưa được để khắc phục, tạo đà cho năm 2015 thực hiện mục tiêu mà Trung ương, Quốc hội đã giao.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, trong đó tiếp tục kiểm soát lạm phát, xem xét điều chỉnh lãi suất cho hợp lý theo tín hiệu thị trường, đảm bảo tăng dư nợ tín dụng đi cùng với chất lượng tín dụng, góp phần tăng tổng cầu. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá lại tình hình nợ công và một số tiêu chí khác trong lĩnh vực tài chính. Hiện nay cách nhìn nhận, tiếp cận nợ công chưa thống nhất; bộ chức năng phải tính toán thật sát, đúng, báo cáo đầy đủ để nhân dân biết, Đảng và Quốc hội nắm.

Với tinh thần như thế, Thủ tướng sẽ làm việc với NHNN trong ngày mai (1/10) để nghe báo cáo lại về tình hình và xử lý nợ xấu, những vấn đề cần chỉ đạo ráo riết hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, kịp thời hơn.

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách với tinh thần cởi mở nhất, thông thoáng nhất, không chỉ phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp mà còn cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội.  Tinh thần của người đứng đầu Chính phủ là chỉ đạo quyết liệt và giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành. Đại diện VCCI cho biết cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, của các bộ, ngành…

PV Văn Thành (Báo Tuổi trẻ)Thưa Bộ trưởng, gần đây có những thông tin về động thái Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thươnđối với Việt Nam. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Việc Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nếu xảy ra sẽ là động thái tích cực trong thực hiện mối quan hệ bình thường với Việt Nam. Việt Nam, Hoa Kỳ đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, nên việc gỡ bỏ lệnh cấm vận nếu xảy ra thể hiện sự tin cậy và hướng tới sự bình thường, toàn diện hơn trong mối quan hệ hai nước.

Thực tế, đất nước chúng ta đang sử dụng một số vũ khí có nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ. Việc mua sắm, tu bổ, sửa chữa là nhu cầu có thật. Việc gỡ bỏ lệnh cấm góp phần thuận lợi hơn cho Việt Nam trong thực hiện kế hoạch quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

PV Phương Thảo (Báo Dân trí)Tôi có 2 vấn đề quan tâm. Thứ nhất, được biết hôm nay là hạn chót Bắc Ninh phải báo cáo Chính phủ về kết quả xử lý vụ án Minh Sâm. Xin Bộ trưởng cho biết Chính phủ có thảo luận về vụ án Minh Sâm không?

Nội dung thứ 2 liên quan tới việc bổ nhiệm 2 Thứ trưởng mới của Bộ Ngoại giao. Theo quy định chúng tôi biết, mỗi bộ không được có quá 4 Thứ trưởng. Nếu có hơn 4 Thứ trưởng thì chỉ trong giai đoạn đầu, chuyển giao thôi. Cho đến bây giờ số lượng Thứ trưởng ở các bộ không ngừng tăng lên. Chính phủ lý giải gì về việc này?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Trước hết là về vụ án ở Bắc Ninh, có tên Minh Sâm. Đây là vụ án mà dư luận quan tâm rất nhiều. Không chỉ là 1 vụ án hình sự bình thường mà còn có những động thái mà xã hội thấy không ổn về hoạt động, quan hệ và nhiều vấn đề có tác động xã hội lớn. Chính vì thế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau khi nghe báo cáo tình hình, đã có công văn chỉ đạo đề nghị UBND tỉnh báo cáo tình hình vụ án này. Đến giờ này, chúng tôi đã nhận được báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh gửi đến theo quy định. Thông thường, các vụ án nằm trong quá trình điều tra thì là mật. Nhưng dư luận xã hội quan tâm nhiều nên chỉ đạo của Phó Thủ tướng cho thấy các cấp lãnh đạo đang quan tâm chỉ đạo. Và qua xem xét sơ bộ thấy rằng ở địa phương đã có chỉ đạo chặt chẽ vụ án này. Trong quá trình điều tra đề nghị chúng ta quan tâm theo dõi. Có vấn đề gì đó thì chúng ta kịp thời phản ánh và thông báo.

Về việc Bộ Ngoại giao bổ sung 2 Thứ trưởng, đến giờ này Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ thực hiện rất nghiêm quy định về số lượng khi bổ nhiệm cấp phó của các bộ, ngành chức năng. Tuy nhiên, khi thực hiện quy trình bổ nhiệm, có lúc không phải chờ đến lúc người trước nghỉ thì mới thay đổi, bổ sung. Tinh thần chung là chủ động bổ nhiệm để tiếp nối công việc trước đó, sao cho đảm bảo quy định về số lượng mà cấp thẩm quyền cho phép. Vấn đề này báo chí chúng ta cũng yên tâm, chúng tôi theo dõi và tham mưu rất chặt. Xin cảm ơn.

PV Hoàng Tuân (Tạp chí Chất lượng Việt Nam)Vừa qua, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án đổi mới sách giáo khoa (SGK), trong đó có một chi tiết mới được dư luận rất quan tâm, đó là việc đấu thầu SGK. Rất nhiều người lo ngại rằng khi đấu thầu, đơn vị trúng thầu chưa chắc đã là Nhà xuất bản Giáo dục sẽ đẩy giá SGK lên. Và như vậy, các cháu học sinh và gia đình sẽ phải chịu giá cao, trong khi chúng ta chưa có chế độ cấp SGK cho các gia đình nghèo mà chỉ có miễn giảm học phí thôi. Theo chúng tôi tìm hiểu, đó không phải là ý kiến của Bộ GD&ĐT mà là ý kiến của Ủy ban Giáo dục và thanh thiếu niên của Quốc hội. Xin hỏi nếu chúng ta tiến hành như vậy, Chính phủ và Bộ GD&ĐT có cách nào để giảm giá SGK cho người nghèo?

Vấn đề thứ hai là việc tiếp dân của Bộ Quốc phòng. Rất mong Bộ trưởng trong một buổi sáng thứ ba nào đó đến bộ phận tiếp dân của Bộ Quốc phòng ở phố Lý Nam Đế, sẽ thấy rất nhiều vấn đề. Hiện, Bộ Quốc phòng chỉ tiếp dân vào sáng thứ ba, rất mong Chính phủ có ý kiến với Bộ Quốc phòng có thể tiếp dân cả buổi chiều.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Hôm nay họp Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo vấn đề tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân, chỉ đạo các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, các tỉnh đặc biệt quan tâm, trực tiếp giải quyết theo quy định, theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao để làm thế nào từng bước giải quyết vấn đề còn vướng mắc, tồn đọng mà người dân đang bức xúc. Nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện công việc này chưa đảm bảo như ý kiến của bạn, chúng tôi sẽ nắm lại, báo cáo, đề nghị cơ quan đó thực hiện tốt hơn. Cảm ơn góp ý của bạn.

Xung quanh vấn đề giáo dục, trước đó Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội cũng đã làm việc với Bộ GD&ĐT. Việc này là một quá trình tổ chức thực hiện qua nhiều lần và chúng ta đã nghe rất nhiều ý kiến phản ánh. Tại phiên họp Chính phủ lần này, Thủ tướng đã chỉ đạo, giao cho Bộ GD&ĐT tập hợp các thông tin, tập hợp các đề xuất, kiến nghị, chọn một phương án phù hợp nhất, chọn lựa phương thức thực hiện có hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. Việc Chính phủ thấy quá tầm sẽ báo cáo Quốc hội theo tinh thần đổi mới, tiếp tục cải cách.

Hôm nay có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT là người tâm huyết trong việc này, đề nghị Thứ trưởng tiếp tục làm rõ câu hỏi của phóng viên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Về chuyện SGK, đây là vấn đề đang thảo luận chứ chưa phải là đã kết luận. Nội dung bạn hỏi nằm trong đề án đổi mới SGK. Nói chưa có chính sách hỗ trợ SGK cho học sinh khó khăn, con em các đối tượng chính sách là chưa đúng. Trong chỉ đạo thực hiện chính sách cho học sinh gặp khó khăn, các đối tượng chính sách, kể cả hỗ trợ về lương thực, hỗ trợ về kinh phí học tập, hỗ trợ về SGK… là chính sách của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện cũng có phần hỗ trợ cho các em ngoài chính sách Nhà nước, như chỉ đạo các trường mua lại sách cũ, cho học sinh khó khăn mượn sách cũ v.v…

Thực tế trong năm vừa qua không có tình trạng thiếu SGK cho học sinh. SGK như hiện nay vẫn là danh mục được duyệt giá của Chính phủ, sắp tới như thế nào thì vẫn đang bàn.

PV Kiều Minh (báo Nông thôn Ngày nay)Xin hỏi Bộ trưởng Chủ nhiệm Chính phủ câu hỏi liên quan đến vấn đề nông nghiệp đang được Chính phủ rất quan tâm. Vừa qua, báo Nông thôn cũng có loạt bài về việc nước ta là nước sản xuất nông nghiệp rất lớn, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt 27 tỷ. Thế nhưng chúng ta vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng vật tư nông nghiệp, mỗi năm lên tới hơn 12 tỷ đô la. Trước thực trạng này, Bộ trưởng có thể cho biết giải pháp của Chính phủ thế nào để hạn chế nhập khẩu các loại vật tư mà trong nước chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất được để có thể tăng hiệu quả và giúp giảm giá thành cho nông dân?

Liên quan đến việc chúng ta là nước sản xuất được rất nhiều loại trái cây nhưng thực trạng là hiện nay trên thị trường Việt lại tràn ngập các loại trái cây ăn quả nước ngoài mà cụ thể là Thái Lan. Nếu chúng ta không giải quyết tình trạng này triệt để thì nguy cơ là nông dân của chúng ta bị thua thiệt và bị giảm mất hiệu quả, năng suất ngay trên sân nhà. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới. Xin cảm ơn!

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Về vấn đề sản xuất và nhập những nguyên liệu mà nông dân có thể sản xuất được, chúng ta quan tâm từ lâu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay cả Quốc hội và trên các diễn đàn kinh tế cũng đặt ra vấn đề này. Hiện nay chỉ đạo của Chính phủ là đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, với một Đề án rất rộng nhưng chia ra từng lĩnh vực cụ thể: Sản xuất như thế nào, tiêu thụ ra làm sao, mặt hàng nào sản xuất để xuất khẩu, mặt hàng nào để tiêu thụ trong nước? Thị trường trong nước chúng ta hiện nay rất phong phú. Thời gian qua, mỗi phiên họp của Chính phủ đều đưa ra vấn đề tái cơ cấu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp bởi vì nông dân chúng ta hiện nay đa số, người lao động của chúng ta đa số làm nông nghiệp.

Để khắc phục tình trạng chúng ta có thể sản xuất được mà vẫn nhập thì trong tái cơ cấu nông nghiệp, một vấn đề đặt ra là chúng ta phải đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ vào đồng ruộng, vào từng hoạt động nông nghiệp cụ thể để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị; tái cơ cấu từng cây trồng, vật nuôi; đáp ứng về GAP; tái cơ cấu gắn với quy hoạch lại từng khu vực sản xuất…

Tôi muốn chia sẻ rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là ngành Nông nghiệp hiện nay rất quan tâm tập trung mà giải quyết vấn đề bạn quan tâm.

Vấn đề thứ 2 là trong cơ chế thị trường, việc tương tác qua lại, trao đổi, giao lưu, mua bán hàng hóa là việc rất bình thường. Chúng ta làm thế nào để quản lý cho được chất lượng sản phẩm. Cái chúng ta nhập có đảm bảo không? Rồi làm thế nào nâng cao chất lượng sản phẩm mà mình làm ra khi chúng ta xuất khẩu để có thể cạnh tranh được với thị trường, v.v... Riêng chỗ này này cũng là một Đề án nằm trong tổng thể tái cơ cấu chung của ngành Nông nghiệp.

Tôi xin báo cáo vắn tắt quá trình thực hiện công việc này của Chính phủ cũng như của Bộ Nông nghiệp, các ngành có liên quan như vậy. Xin cảm ơn!


Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo Chính phủ tháng 9/2014 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

PV báo Pháp luật TPHCMTôi có 2 câu hỏi. Thứ nhất là câu hỏi về vết nứt trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Như giải thích của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là do đất yếu, dư luận cảm thấy chưa thỏa đáng. Nhận định của Bộ trưởng ra sao? Theo Bộ trưởng thì cách giải thích này thỏa đáng chưa?

Vừa rồi có thông tin lương cao tại các tập đoàn, Tổng Công ty, song song với đó là sự việc một em bé ở Hà Tĩnh, trên đường đi học về, do đói và ngã xuống mương chết. Bộ trưởng có nhận xét gì về khoảng cách giàu nghèo hiện nay của Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Trước hết, về đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai mới vừa thông xe thì phát hiện vết nứt, câu chuyện này có 2 vấn đề chúng ta cần phải quan tâm.

Trước hết là sự thật của vết nứt này. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và các ngành chức năng thì chuẩn bị thông xe, trong quá trình thực hiện các công việc cuối, chúng ta đã phát hiện vết nứt này rồi, chứ không phải sau khi thông xe mấy ngày mới phát hiện vết nứt như một số báo nói.

Hiện nay, nhà thầu chịu trách nhiệm chính đang ráo riết thực hiện công việc của mình. Còn cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra các công đoạn cũng đang ráo riết thực hiện nhiệm vụ của mình, thẩm định lại, kiểm tra lại, tìm nguyên nhân cho rõ, khi đó công bố mới chính xác.

Thứ 2 là khi đặt vấn đề, chúng ta nên có 1 giới hạn nhìn nhận rằng nó là cái gì. Việc đó sau khi điều tra chúng ta sẽ phát hiện. Nhưng trước mắt, cơ quan chủ quản đã phát hiện điều này, đã biết điều này. Tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói là đã chủ động mời một số báo chí đến trực tiếp, mắt thấy tai nghe và biết kế hoạch sắp tới Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo làm những việc gì.

Khi một sự việc xảy ra, chúng ta chia sẻ kịp thời, cung cấp thông tin để nhân dân hiểu, thì sự việc có thể khác hơn. Thủ tướng có chỉ đạo là những gì báo chí nói chưa đầy đủ, hoặc là chưa chính xác, thì có phần trách nhiệm của người cung cấp thông tin, cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin.

Về khoảng cách giàu nghèo, đây có lẽ là câu chuyện dài. Mỗi người chúng ta đều có một suy nghĩ, có trách nhiệm, tình cảm. Đất nước chúng ta với 90 triệu dân lại vừa thoát ra khỏi khó khăn. Với những đặc điểm như thế, hiện nay chủ trương của Đảng, Nhà nước là cố gắng bằng mọi cách để rút ngắn, nói đúng hơn là đừng để khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng ra.

Tinh thần chung là như thế nhưng để thực hiện được là cả một vấn đề, cần sự đồng bộ, chung tay, đầy đủ trách nhiệm. Hiện nay chúng ta thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi thứ chúng ta phải tuân thủ quy luật của nó. Theo định hướng xã hội chủ nghĩa tức là dưới chế độ ta, làm thế nào cố gắng đừng để người dân nghèo khổ.

Bác Hồ cũng đã nói, hòa bình, thống nhất, độc lập mà để người dân sống khổ, sống nghèo thì ý nghĩa không còn nhiều. Tinh thần này chúng ta đã đang và sẽ tiếp tục làm.

Nhưng trong từng ngõ ngách của cuộc sống, trong từng khó khăn của cuộc đời mỗi con người, từng gia đình, khó tránh khỏi được những tai ương có thể xảy ra. Chúng ta cũng nên bình tĩnh xem xét thấu đáo, để có thể chia sẻ một cách thực sự có trách nhiệm đối với xã hội. Chúng ta phải bình tĩnh xem xét nhiều khía cạnh, để đánh giá và nỗ lực chung tay giải quyết vấn đề tạm gọi là khoảng cách giàu nghèo. Xin chia sẻ với bạn như thế. Xin cảm ơn.

PV Thời báo Tài chính: Thưa Bộ trưởng, tôi biết là trong phiên họp vừa rồi Chính phủ đã nghe báo cáo về sân bay Long Thành. Xin Bộ trưởng cho biết phương án về tổng mức đầu tư vốn cho dự án là bao nhiêu, vốn ngoài ngân sách là bao nhiêu và phương án huy động vốn ngân sách như thế nào? Phương án vốn ngân sách cho dự án này sẽ như thế nào để không ảnh hưởng đến nợ công?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Lần này Chính phủ họp có thông qua dự án này. Đây là dự án quan trọng của quốc gia cho nên phải trình Quốc hội thông qua. Hội đồng thẩm định quốc gia đã thông qua rồi, đến giờ này giao lại cho Bộ GTVT để chuẩn bị, hoàn chỉnh lại theo ý kiến của Chính phủ. Đề nghị Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nói rõ thêm về dự án.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Về dự án sân bay Long Thành, Bộ GTVT đã trình Chính phủ các phương án. Đây là một dự án lớn, hiện nay Bộ đang hoàn thành các thủ tục để trình Chính phủ và Chính phủ sẽ trình Quốc hội để có chủ trương. Sau khi có chủ trương sẽ hoàn thành các bước tiếp theo.

Đi vào một số nội dung của dự án, sân bay Long Thành sẽ là dự án thực hiện phương án cổ phần hóa, liên doanh các nhà thầu để đầu tư dự án này, sau đó sẽ tiến hành cổ phần để xã hội hóa.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn khởi đầu có công suất thiết kế là 20-25 triệu lượt khách/năm, tổng mức đầu tư xấp xỉ 6 tỷ USD. Giai đoạn 2 là sau khi chúng ta có đủ điều kiện về kinh tế mới thực hiện, nâng công suất lên 60-80 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 2 được thực hiện sau năm 2050.

Ở giai đoạn 1, hiện nay, Bộ GTVT đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia liên doanh, giảm tối đa kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, Bộ GTVT sẽ trình phương án đầu tư dự án. Giai đoạn từ 2020-2025 sẽ là giai đoạn 1.

PV Thế Dũng (báo Người Lao động)Xin hỏi Bộ trưởng 2 nội dung: Vừa rồi báo chí thông tin về việc ông Hồ Nghĩa Dũng, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Đèo Cả. Điều này vi phạm quy định Nhà nước. Cuộc họp Chính phủ vừa rồi có đưa việc này ra không? Và Thủ tướng có nhắc nhở, chỉ đạo việc này không? Quan điểm của ông như thế nào về việc một cựu Bộ trưởng sau khi về hưu làm thành viên Hội đồng quản trị một công ty liên quan đến lĩnh vực mình quản lý?

Thứ hai trong cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng cũng nêu vấn đề và yêu cầu Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội báo cáo việc năng suất lao động của Việt Nam ở nhóm thấp nhất Châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa cung cấp tỷ lệ thất nghiệp là 1,84. Con số này thì gây ra phản ứng rất dữ trong giới chuyên gia cũng như tại diễn đàn Kinh tế mùa thu vừa rồi có nhiều ý kiến phản đối. Trong cuộc họp Chính phủ vừa rồi, Thủ tướng xem xét vấn đề này như thế nào? Và chỉ đạo của Thủ tướng đối với việc này ra sao? Xin cảm ơn!

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Về việc ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên là thành viên Chính phủ đã nghỉ hưu, tham gia Hội đồng quản trị của Công ty Đèo Cả, đến giờ này, sau khi báo chí chúng ta nêu lên thì Hội đồng quản trị của Công ty Đèo Cả đã nhìn nhận rằng chính họ không nắm kỹ Nghị định số 102/2007 đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc được tham gia hoạt động gì cho nên họ có mời ông Hồ Nghĩa Dũng tham gia làm tư vấn cho Hội đồng này mà việc này trước đó khi còn tại chức, ông Hồ Nghĩa Dũng lại chịu trách nhiệm. Việc này họ đã tự khắc phục rồi. Và nó cũng không phải thuộc quyền quản lý của Chính phủ cho nên Chính phủ không bàn. Tuy nhiên, cũng nhắc nhở với nhau rằng, đây cũng là một bài học rút kinh nghiệm chung cho cán bộ còn đương chức hiện nay, khi nghỉ hưu thì cũng phải nghiên cứu kỹ các quy định đối với mình để không vi phạm những điều không đáng có như thế.

Nội dung liên quan tới chỉ số năng suất người lao động của Việt Nam và chỉ số lao động thất nghiệp 1,84, lần này Chính phủ họp cũng thấy vấn đề này cho nên có mời Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê vì việc điều tra này chính là Tổng cục Thống kê chứ không phải do Bộ LĐTB&XH. Thời gian vừa qua khi chúng ta thực hiện việc đổi mới, mọi hoạt động điều tra, thống kê của Tổng cục Thống kê đều phải tuân thủ và làm đúng theo thông lệ quốc tế và dưới sự giám sát của các tổ chức quốc tế có mặt tại Việt Nam. Tổng cục Thống kê có nói rằng chính đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ở Việt Nam có viết một bài khuyên ngành thống kê, ngành lao động cũng như các ngành chức năng khi làm một việc gì đó, phải thông tin đầy đủ để cho báo chí nắm được nội dung làm của mình, chia sẻ trách nhiệm và thông tin đến cho dân hiểu, nếu không sẽ tạo ra những dư luận không đáng có.

Vấn đề này, xin mời Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội sẽ cho ý kiến cụ thể để báo chí nắm luôn, biết được rằng điều tra như thế, ra những con số như thế, chúng ta có thực hiện theo sự chỉ đạo nào để làm con số đẹp lên không? Hay có vấn đề gì về việc này không? Hay là chúng ta làm đúng theo thông lệ quốc tế? Còn Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng căn dặn rằng chúng ta không tô hồng bất cứ một số liệu nào, làm được tới đâu nói tới đó. Nhưng chúng ta cũng phải có báo cáo xác đáng bởi vì nó là công lao của sự lãnh đạo, của người dân, của doanh nghiệp. Tránh tình trạng vì lý do này, lý do khác chúng ta làm được mà rồi nói không đúng. Hoặc chúng ta nói quá đi, làm ít mà nói nhiều cũng không được. Tránh hai thái cực là nói quá xấu hay nói quá tốt về việc không phải như vậy. Bây giờ đề nghị Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội nói rõ vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp: Nói về con số 1,84% người lao động thất nghiệp thì phải báo cáo rõ như thế này. Thứ nhất, trong Bộ luật Lao động của chúng ta có một điều quy định là bất kỳ công việc nào không bị pháp luật ngăn cấm và được trả công và tạo ra thu nhập thì được coi là công việc làm. Thứ hai là cuộc điều tra là do Tổng cục Thống kê tiến hành. Tất cả các định nghĩa về việc làm hay thất nghiệp đều tuân thủ theo định nghĩa quốc tế và của cơ quan chức năng. Ngoài ra, khuyến cáo của quốc tế có nói: Trong tuần trước khi làm việc hợp pháp nếu có làm một số công việc nào đó thì được xem như thời gian làm việc. Chính vì khái niệm đó mà tỷ lệ thất nghiệp khác nhau. Có nước thì quy định là một giờ theo đúng khuyến cáo quốc tế, có nước nói là hai giờ, ba giờ, tám giờ và có thể khác nhau. Thứ ba, để đo sức khỏe của thị trường lao động thì không chỉ dựa vào tỷ lệ thất nghiệp. Tổ chức Lao động Quốc tế có kiến nghị 18 chỉ tiêu chính để đo thị trường lao động, tức là ngoài tỷ lệ thất nghiệp còn có thời gian làm việc, khu vực làm việc, việc làm dễ bị tổn thương hay không, đóng bảo hiểm xã hội hay không…

Chúng ta rất vui với chỉ số 1,84% tỷ lệ thất nghiệp nhưng chúng ta cũng nhớ rằng là 2/3 lao động Việt Nam đang làm việc ở khu vực dễ tổn thương, làm việc gia đình không đóng bảo hiểm. Trong những chỉ tiêu của thị trường lao động còn có vấn đề làm việc không đúng ngành nghề đào tạo. Trong báo cáo thị trường lao động Việt Nam có công bố một loạt chỉ tiêu, không riêng chỉ tiêu thất nghiệp. Vì thế chúng ta đừng lạc quan hóa câu chuyện 1,84%. Nó cũng giống như khi khám sức khỏe, chúng ta không chỉ đo chiều cao, cân nặng, huyết áp rồi nhịp đập, vòng ngực mà còn có các chỉ số khác nữa. Nếu mà chỉ nhìn vào mỗi chỉ tiêu 1,84% thì nhiều khi lại lạc quan thái quá.

Xung quanh việc Việt Nam thuộc nhóm nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực ASEAN thì các bạn cũng biết rằng 4 nước là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar kém phát triển hơn so với các nước kia nên năng suất lao động có thấp hơn cũng đúng thôi.

Thứ hai, năng suất lao động thấp thì con số này không phải do bất kỳ cơ quan nào ở Việt Nam đưa ra mà theo báo cáo kỹ thuật tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp APEC đưa ra. Năng suất lao động ở đây tính một cách rất đơn giản là lấy GDP/số người đang làm việc. Thực ra con số này không phản ánh chính xác năng suất lao động của người trong độ tuổi lao động. Lí do chính là GDP ít nhất phải có 3 thành tố: Chỉ số lao động, vốn đầu tư và trình độ công nghệ. Cho nên có cách tính thứ hai là xem đóng góp của người lao động trong việc tạo ra GDP. Nếu tính được cái đó thì năng suất lao động sẽ chính xác hơn.

Tôi cũng phải nói rằng người Việt Nam lao động trong các doanh nghiệp Hàn Quốc thì năng suất lao động không thua gì năng suất lao động Hàn Quốc cả.

Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ LĐTB&XH phối hợp với các bộ, ngành theo dõi chính xác xem năng suất lao động của lao động Việt Nam như thế nào. Nhưng muốn hay không, chúng ta phải thừa nhận là với trình độ công nghệ, với vốn đầu tư theo chiều rộng như hiện nay thì năng suất lao động như vậy là khá chính xác. Chính vì thế, chúng ta mới đang tái cơ cấu nền kinh tế từ chiều rộng theo chiều sâu, đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ người lao động. Hy vọng cải thiện chỉ số này. Tôi xin cảm ơn!

PV Hoàng Hà (báo Hà Nội Mới)Gần đây tuyến cáp quang AAG bị đứt, nguyên nhân tại sao và mình có cách xử lý nào trong thời gian tới để hạn chế tình trạng đứt cáp này?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Như chúng ta đã biết, tuyến cáp quang AAG bị đứt ở khu vực Đài Loan. Đây là tuyến cáp liên thông với quốc tế, chúng ta tham gia đầu tư. Sự cố này là bất khả kháng, chúng ta đang cùng quốc tế can thiệp, khoảng 2-3 ngày nữa sẽ thông. Hiện Công ty Viễn thông quốc tế thuộc VNPT đang dùng đường vòng, sử dụng các tuyến cáp khác nhưng do tần suất sử dụng của Việt Nam tương đối cao nên có thời điểm bị nghẽn mạch. Công ty Viễn thông quốc tế dưới sự chỉ đạo của VPNT và của Bộ Thông tin và Truyền thông đang quyết liệt phối hợp với các đối tác quốc tế để sửa chữa. Còn riêng tuyến cáp trong nội địa không ảnh hưởng.

PV Chí Hiếu (Báo điện tử VnExpress)Sau vụ dầu bẩn ở Đài Loan (Trung Quốc) nhà chức trách Đài Loan thông báo Việt Nam có 2 doanh nghiệp nhập dầu này về Việt Nam. Nhưng một trong 2 doanh nghiệp đã phản bác, phủ nhận thông tin này. Xin lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết Hải quan có nắm được thông tin này không?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung: Ngay sau khi có thông tin về dầu bẩn ở Đài Loan, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan nắm rất chắc thông tin này. Các cơ quan Hải quan cửa khẩu được chỉ đạo thực hiện kiểm tra chặt chẽ chất lượng các lô dầu nhập từ Đài Loan. Những trường hợp hàng hóa có xuất xứ từ Đài Loan, có nguyên liệu là dầu đều được kiểm tra chất lượng trước khi cho phép thông quan. Vì vậy, có thể khẳng định cơ quan Hải quan nắm rất rõ, đã và đang triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,738

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079