Ngày 5/5/2025, Quốc hội khóa XV đã thông qua Kế hoạch 05/KH-UBDTSĐBSHP năm 2025 Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Theo đó, các đối tượng đóng góp ý kiến về toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 bao gồm:
- Các tầng lớp Nhân dân.
- Các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
- Các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo tiểu mục 5 Mục II Kế hoạch 05/KH-UBDTSĐBSHP năm 2025 quy định thời gian lấy ý kiến như sau:
Thời gian lấy ý kiến
Thời gian lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết bắt đầu từ ngày 06 tháng 5 năm 2025 và hoàn thành vào ngày 05 tháng 6 năm 2025.
Như vậy, có thể thấy, thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 6/5/2025 và hạn cuối lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến Pháp 2013 vào ngày 5/6/2023.
Căn cứ theo tiểu mục 4 Mục II Kế hoạch 05/KH-UBDTSĐBSHP năm 2025 quy định các tài liệu phục vụ lấy ý kiến Nhân dân, các ngành các cấp về sửa đổi Hiến pháp 2013 bao gồm:
- Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP ngày 05/5/2025 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;
- Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;
- Bản thuyết minh về dự thảo Nghị quyết;
- Bản so sánh các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với quy định hiện hành của Hiến pháp.
(Các tài liệu trên được công bố tại Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Căn cứ theo Điều 120 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
2. Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3. Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp.
4. Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.
5. Thời hạn công bố, thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp do Quốc hội quyết định.
Như vậy, Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.