Đề xuất giao quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục

14/05/2025 11:51 AM

Dự Thảo Luật Nhà giáo mới nhất đã đề xuất giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục, điều này hoàn toàn khác biệt so với hiện hành là tuyển dụng theo viên chức

Đề xuất giao quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục (Hình ảnh từ Internet)

Đề xuất giao quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục (Hình ảnh từ Internet)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Luật Nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo

Đề xuất giao quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục

Tại Điều 14 dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất về việc tuyển dụng nhà giáo như sau:

* Nội dung và phương thức tuyển dụng nhà giáo được quy định như sau: 

- Nội dung tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; 

- Phương thức tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.  

* Thẩm quyền tuyển dụng được quy định như sau: 

- Đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt công lập, cơ quan quản lý nhà nước giao cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu tuyển dụng hoặc chủ trì thực hiện tuyển dụng; giao người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập thực hiện tuyển dụng nếu cơ sở giáo dục đáp ứng điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; 

- Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện;  

- Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục; 

- Đối với trường của lực lượng vũ trang nhân dân, việc tuyển dụng nhà giáo do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định; 

- Đối với cơ sở giáo dục khác không thuộc quy định tại điểm a, b, c, d Điều này, việc tuyển dụng nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục quyết định. 

* Đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng nhà giáo bao gồm:  

- Người đã có thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục tại vị trí việc làm phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng;  

- Đối với giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên người có kinh nghiệm trong thực tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với ngành, nghề giảng dạy; 

- Các trường hợp ưu tiên tuyển dụng khác theo quy định của pháp luật. 

* Những người không được đăng ký tuyển dụng bao gồm: 

- Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; 

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; 

- Người đã có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người theo quy định của Bộ luật Hình sự. 

* Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến tuyển dụng nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập; tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài.

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 06/2017/TT-BLĐTBXH đươc sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 28/2022/TT-BLĐTBXH quy định việc tuyển dụng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định tại Chương II Nghị định 115/2020/NĐ-CP với những nội dung sau:

- Căn cứ, điều kiện, thẩm quyền tuyển dụng;

- Thi tuyển;

- Xét tuyển;

- Trình tự, thủ tục tuyển dụng;

- Hợp đồng làm việc;

- Tập sự.

Theo đó, tại Điều 7 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì thẩm quyền tuyển dụng viên chức như sau:

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền tuyển dụng viên chức.

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện.

Như vậy, tại dự thảo Luật Nhà giáo đã làm rõ định hướng giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; quy định việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.

Ngoài ra, theo dự thảo luật, các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được quy định đầy đủ, làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu của ngành giáo dục. Chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật…

Xem thêm dự thảo Luật Nhà giáo.

Chia sẻ bài viết lên facebook 12

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079