Sáp nhập tỉnh: Trường học nào giữ nguyên? Trường nào phải tổ chức lại? (Hình từ internet)
Đây là nội dung tại Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 09/5/2025 về hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025.
Trong đó, dự kiến Phương án bố trí, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
Việc tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện hiện nay để chuyển giao, thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã sau sắp xếp thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, theo đó dự kiến phương án tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
Đối với lĩnh vực giáo dục: Giữ nguyên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập và chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý.
Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện hiện nay dự kiến chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ theo địa bàn khu vực (liên xã, phường).
Như vậy, trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập sẽ được giữ nguyên và chuyển giao về cấp xã quản lý.
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ được tổ chức lại và chuyển về Sở Giáo dục quản lý.
Trước đó tại Công văn 1581/BGDĐT-GDPT ngày 08/4/2025 cũng đề cập như sau:
- Thực hiện giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non theo Kết luận 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành văn bản hướng dẫn nội dung quản lý nhà nước về giáo dục do cấp huyện đang quản lý chuyển cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp xã khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại chính quyền địa phương 02 cấp theo phụ lục đính kèm.
...
Căn cứ Điều 51 Luật Giáo dục 2019 quy định về sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường như sau:
- Nhà trường sáp nhập, chia, tách phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
+ Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo quy định của Luật Quy hoạch;
+ Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội;
+ Bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo và người học;
+ Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
- Nhà trường bị giải thể trong trường hợp sau đây:
+ Vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý, tổ chức và hoạt động của nhà trường;
+ Hết thời hạn đình chỉ hoạt động giáo dục mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ;
+ Mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập nhà trường không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội;
+ Không bảo đảm chất lượng giáo dục;
+ Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập trường.
- Quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường phải xác định rõ lý do, biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học, người lao động trong nhà trường và phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.