Chỉ thị 13/CT-TTg: Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

19/05/2025 08:44 AM

Sau đây là bài viết có nội dung về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được quy định trong Chỉ thị 13/CT-TTg năm 2025.

Chỉ thị 13/CT-TTg: Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Chỉ thị 13/CT-TTg: Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Hình từ Internet)

Ngày 17/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Chỉ thị 13/CT-TTg

Chỉ thị 13/CT-TTg: Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Theo đó, để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho Nhân dân, góp phần phục vụ đất nước phát triển nhanh, bền vững thì Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được quy định cụ thể tại Chỉ thị 13/CT-TTg năm 2025, bao gồm:

- Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân xây dựng được phong trào toàn dân trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị tại địa phương tích cực tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra với sự giám sát của các cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cơ quan báo chí, truyền thông và Nhân dân để kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, thiếu sót; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, sỹ quan có hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, vi phạm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15/5/2025 đến ngày 15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.

Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng.

Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Tổ công tác tại địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực Trung ương trực tiếp làm Tổ trưởng với thành phần tham gia phù hợp, khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt hiệu quả đợt tấn công cao diem.

- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, lực lượng chức năng, phải xác định rõ trách nhiệm, rõ địa bàn, rõ lĩnh vực của từng cơ quan, đơn vị; bảo đảm không chồng chéo, không bỏ sót nhiệm vụ, không để có khoảng trống pháp lý, không vì sắp xếp tổ chức bộ máy mà buông lỏng quản lý, ảnh hưởng đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2025.

- Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ và Công an địa phương xác lập chuyên án, đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội; phối hợp các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan để xảy ra sai phạm trong phạm vi quản lý, báo cáo, đề xuất xử lý theo quy định; kịp thời công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa chung; tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi Bộ luật Hình sự với mức hình phạt đủ sức răn đe, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội.

- Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển phối hợp với lực lượng Công an và các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo duy trì trật tự an toàn khu vực biên giới trên bộ và trên biển.

- Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan liên quan làm tốt công tác nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời các doanh nghiệp buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế; chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng buôn lậu vào Việt Nam.

- Bộ Công Thương:

+ Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử; chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông trên thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng.

+ Phối hợp với Bộ Công an đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa làm cơ sở cho việc định hướng chiến lược hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, chống buôn lậu, hàng giả.

+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, rà soát Luật Thương mại 2025, Luật Thương mại điện tử 2023 và các quy định có liên quan, sớm kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và ban hành trong năm 2025.

+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử phạt của các lực lượng chức năng theo hướng phân định rõ trách nhiệm, rõ địa bàn, rõ lĩnh vực, không chồng chéo, không bỏ sót, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2025, cụ thể:

++ Người đứng đầu lực lượng Quản lý thị trường ở từng cấp chịu trách nhiệm chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường.

++ Các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thuộc các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra từ cấp phép, sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý (đặc biệt lưu ý các mặt hàng thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, sữa, mỹ phẩm thuộc ngành Y tế; gia súc, gia cầm, động vật, sản phẩm động vật thuộc ngành Nông nghiệp);

++ Quy định cụ thể nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã/phường trong việc phối hợp với các Sở/ngành, đơn vị quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

+ Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm kiện toàn bộ máy lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương.

- Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về công bố thông tin sai sự thật.

- Bộ Y tế tăng cường, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, dược phẩm giả; khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm 2010, Luật Dược 2016, các văn bản quy định về sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng; nghiên cứu đề xuất tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Phát động phong trào Nhân dân tham gia hưởng ứng kiểm soát chất lượng thuốc, thực phẩm; đồng thời, yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, không giới thiệu các thông ù lì sai lệch, thiếu cơ sở về tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dôi.

- Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương chủ động phối hợp, thực hiện việc kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thực phẩm giả, độc hại, không rõ nguồn gốc; đồng thời, hoàn thiện các quy định của pháp luật về chuyên môn, kỹ thuật, quy trình tiền kiểm, hậu kiểm, cấp phép hàng hóa; đặc biệt phải ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông.

- Bộ Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về lâm sản, thủy sản, sản xuất, buôn bán giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả; đồng thời, có biện pháp kiểm soát việc dùng chất kích thích tăng trưởng đối với mặt hàng hoa quả, việc sử dụng hóa chất quá mức nhằm tăng trọng, chống mất nước sau khi rã đông để gian dối về khối lượng, giảm chất lượng.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý những cơ quan đề nghị quảng cáo, cơ quan thực hiện việc quảng cáo, những cá nhân, nghệ sỹ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín của mình để có hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội.

- Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành trong xây dựng, thẩm định, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Kinh phí, nguồn lực cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được trích từ nguồn kinh phí thường xuyên đã phân bổ cho các Bộ, ngành và địa phương.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn; quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại các địa bàn khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới góp phần ổn định cuộc sống của Nhân dân, kết hợp đổi mới nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để Nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa và sản xuất, buôn bán hàng giả.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và hệ thống các cơ quan báo chí phối hợp với các Bộ, ngành, lực lượng chức năng xây dựng chương trình chuyên đề truyền thông phù hợp, tăng thời lượng, tuyên truyền về những nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm bản quyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và Nhân dân; tuyên truyền, phổ biến các thủ đoạn, phương thức gian lận, lừa đảo của các đối tượng để Nhân dân nhận biết, nâng cao cảnh giác và thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quản lý, kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra tình trạng quảng cáo sai sự thật trên đài truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí chuyên ngành thuộc thẩm quyền, dễ gây nhầm lẫn cho Nhân dân; biểu dương những tấm gương tích cực, cách làm hay của các Bộ, ngành, địa phương và Nhân dân; phê phán, lên án những hành vi tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Xem thêm tại Chỉ thị 13/CT-TTg ban hành ngày 17/5/2025.

Chia sẻ bài viết lên facebook 24

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079