Dự kiến 05 chính sách đột phá đột phá trong giáo dục nghề nghiệp (Hình từ Internet)
Tại Tờ trình Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục đề xuất quy định theo 05 chính sách đột phá đột phá trong giáo dục nghề nghiệp gồm các chính sách sau:
Chính sách 1: Đổi mới hệ thống Giáo dục nghề nghiệp
- Khắc phục hạn chế, yếu kém về hướng nghiệp, phân luồng, liên thông; bất hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo; quy mô, chất lượng, hiệu quả đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành, nghề mới, kỹ năng tiên tiến;
- Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi công dân; quan tâm đầu tư, phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới; tăng cường định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên ngay từ bậc học phổ thông, đẩy mạnh phân luồng, tăng số lượng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; thực hiện đào tạo nghề, dạy văn hoá, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên.
- Tăng cường hội nhập quốc tế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo cơ hội học tập, công nhận trình độ, kỹ năng giữa các nước trong khu vực ASEAN và thế giới; tăng cơ hội việc làm và thúc đẩy chuyển dịch lao động.
Chính sách 2: Đổi mới chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
- Về đổi mới chương trình, tổ chức đào tạo, chính sách đặt ra mục tiêu:
+Khắc phục các tồn tại, vướng mắc, yếu kém của hệ giáo dục nghề nghiệp nhằm thúc đẩy mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
+Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
+Thể chế hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
+ Tăng hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo sự định hướng sớm và phù hợp với năng lực, nhu cầu xã hội.
+ Đổi mới và đa dạng hóa chương trình, thời gian, hình thức, phương thức đào tạo và cấp văn bằng, chứng chỉ theo hướng mở, linh hoạt, thực tiễn; tạo điều kiện để người dân học tập suốt đời, nâng cao, cập nhật và chuyển đổi năng lực nghề nghiệp nhằm thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và thị trường lao động. góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
+ Nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo cao đẳng; nhân rộng, chuyển giao các chương trình đào tạo tiên tiến, cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới trong GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP, đáp ứng yêu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, nhất là những ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn cho phát triển đất nước.
+ Tăng cường học tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất -kinh; tạo cơ chế phát triển GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP gắn với thị trường lao động, chuyển đổi số và học tập suốt đời, bảo đảm cơ hội học tập công bằng, hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.
+ Tăng cường hội nhập quốc tế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo cơ hội học tập, công nhận trình độ, kỹ năng giữa các nước trong khu vực ASEAN và thế giới; tăng cơ hội việc làm và thúc đẩy chuyển dịch lao động.
- Về bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chính sách đặt ra mục tiêu:
+ Nhấn mạnh vai trò của hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (IQA) hiệu quả tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng tới xây dựng văn hóa chất lượng trong mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông qua cơ chế giám sát nội bộ, cải tiến liên tục và quản lý rủi ra.
+ Xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng về cơ chế giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp thông qua các cơ quan quản lý và quy trình bảo đảm chất lượng bên ngoài: tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, bao gồm cả tổ chức kiểm định nước ngoài; bảo đảm mức phí lệ phí kiểm định được quy định rõ ràng, minh bạch và cỗng bằng cho tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giám sát chất lượng hoạt động kiểm định, coi trọng chất lượng của tổ chức kiểm định và kiểm định viễn khi lựa chọn tổ chức kiểm định, thành lập đoàn đánh giá ngoài; thực thi chế tài nghiêm khắc đối với các tổ chức kiểm định, kiểm định viên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp không tuân thủ các quy định.
+ Quy định việc gắn kết Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) với bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp làm căn cứ xây dựng, cập nhật, thầm định, kiểm định và công nhận chất lượng chương trình đào tạo; chuẩn hóa chương trình đào tạo gắn với chuẩn đầu ra theo VQF, đồng thời tăng khả năng liên thông, tích lũy và chuyển đổi tín chỉ, công nhận kết quả học tập và hội nhập quốc tế.
+ Hoàn thiện chuẩn và chuẩn hóa cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo với tư cách là một trong các điều kiện ĐBCL tối thiểu cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng.
+ Thiết lập cơ sở pháp lý rõ ràng về định danh, phân loại đội ngũ người dạy trong giáo dục nghề nghiệp, bao gồm giáo viên, giảng viên, người dạy nghề; nhà giáo cơ hữu, nhà giáo đồng cơ hữu, thỉnh giảng; thiết lập chuẩn trình độ theo hướng mở, linh hoạt, được xác lập trên cơ sở đánh giá, công nhận năng lực sư phạm và năng lực thực hành nghề thay vì bắt buộc có chứng chỉ; về huy động nguồn nhân lực có chất lượng cao từ doanh nghiệp, nghệ nhân, chuyên gia thực hành tham gia giảng dạy, nhất là trong các lĩnh vực đặc thù, vùng sâu, vùng xa.
Chính sách 3: Thu hút hiệu quả doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài vào giáo dục nghề nghiệp
- Đổi mới quy định, chính sách hợp tác với doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu về nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, nhất là trong tuyển dụng, sử dụng người lao động có kỹ năng gắn với quá trình đào tạo và sản xuất kinh doanh, dịch vụ của mình.
- Đổi mới quy định, chính sách thu hút nhà giáo là người nước ngoài và lao động của doanh nghiệp tham gia giảng dạy các trình độ giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ nhà giáo giảng viên, giáo viên các lĩnh vực ngành, nghề trọng điểm, công nghệ mới thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển quốc gia tham gia đào tạo, bồi dưỡng học tập bồi dưỡng ở nước ngoài và tham gia các hoạt động của doanh nghiệp ; các chính sách khác ngoài Luật Nhà giáo.
- Đổi mới quy định, chính sách hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài trong giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với các nước trong khu vực và trên thế giới, tiến tới công nhận lẫn nhau về trình độ, kỹ năng, thúc đẩy dịch chuyển lao động giữa Việt Nam và các nước; tạo nền tảng để Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo quốc tế chất lượng cao, phát huy vị thế địa chính trị của Việt Nam.
Chính sách 4: Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư dựa trên chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch của cơ sở giáo dục nghề nghiệp
- Khắc phục các hạn chế, bất cập qua rà soát, đánh giá các quy định hiện hành liên quan đến tài chính trong giáo dục nghề nghiệp
- Thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục nghề nghiệp.
- Đổi mới phương thức đầu tư, phân bổ ngân sách, hoàn thiện chính sách tài chính, học phí, giá dịch vụ đảm bảo minh bạch, hiệu quả và phù hợp đặc thù lĩnh vực.
- Tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình về tài chính của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Đảm bảo cơ sở giáo dục nghề nghiệp quản lý, sử dụng tài chính và tài sản cộng khai, minh bạch, đúng pháp luật; phát huy hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện trách nhiệm xã hội và phục vụ lợi ích cộng đồng, hướng tới phát triển bền vững.
- Bảo đảm quyền lợi người học, thúc đẩy bình đẳng tiếp cận qua chính sách học phí, học bổng, hỗ trợ tài chính.
- Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp.
Chính sách 5: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp
- Thể chế hóa các nội dung đã được Hiến pháp, Đảng, Quốc hội quyết nghị về việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
- Tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hoạt động chuyên môn; nâng cao hiệu quả giải trình với Nhà nước và xã hội.
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kết hợp phương thức “tiền kiểm” và “hậu kiểm", nhất là đào tạo các ngành nghề đặc thù (y, dược...).
- Cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Xem thêm tại Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp.