Ai phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự?
Cưỡng chế thi hành án dân sự được tiến hành khi:
- Hết thời hạn tự nguyện thi hành án;
- Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án.
Trong đó: Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
Biện pháp cưỡng chế thi hành án bao gồm:
- Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
- Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
- Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
* Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:
- Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án;
- Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;
- Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;
- Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;
- Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ;
- Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.
* Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:
- Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá;
- Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.
* Ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây:
- Định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá;
- Chi phí xác minh điều kiện thi hành án;
- Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ;
- Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.
Căn cứ pháp lý: Điều 46, 71, 73 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi năm 2014)
>>> Xem thêm: Có những biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự nào? Khi nào được tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự?
Ai sẽ chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành?
Diễm My