05 điều cần biết về quyết định giải quyết khiếu nại

21/11/2022 10:01 AM

Xin hỏi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và quyết định giải quyết khiếu nại lần hai được quy định thế nào? - Trúc Nhàn (Long An)

05 điều cần biết về quyết định giải quyết khiếu nại

05 điều cần biết về quyết định giải quyết khiếu nại

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định về quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu

1.1. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu

Theo Điều 31 Luật Khiếu nại 2011 quy định về quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu như sau:

- Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.

- Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải có các nội dung sau đây:

+ Ngày, tháng, năm ra quyết định;

+ Tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại;

+ Nội dung khiếu nại;

+ Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;

+ Kết quả đối thoại (nếu có);

+ Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;

+ Kết luận nội dung khiếu nại;

+ Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại;

+ Việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (nếu có);

+ Quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

- Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại.

1.2. Gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu

Gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu theo Điều 32 Luật Khiếu nại 2011 như sau:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm:

Gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

2. Quy định về quyết định giải quyết khiếu nại lần hai

2.1. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai

Theo Điều 40 Luật Khiếu nại 2011 quy định về quyết định giải quyết khiếu nại lần hai như sau:

- Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.

- Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có các nội dung sau đây:

+ Ngày, tháng, năm ra quyết định;

+ Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại;

+ Nội dung khiếu nại;

+ Kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu;

+ Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;

+ Kết quả đối thoại;

+ Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;

+ Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ. Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại. 

Trường hợp kết luận nội dung khiếu nại là sai toàn bộ thì yêu cầu người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính;

+ Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có);

+ Quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

2.2. Gửi và công bố quyết định giải quyết khiếu nại lần hai

Gửi và công bố quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo Điều 41 Luật Khiếu nại 2011 như sau:

- Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thực hiện:

Gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.

- Người giải quyết khiếu nại lần hai lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai sau đây:

+ Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác;

+ Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại;

+ Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Chính phủ quy định chi tiết việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại.

3. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

Theo Điều 44 Luật Khiếu nại 2011 quy định về quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật như sau:

- Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

- Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

- Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay.

4. Người có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

Người có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật theo Điều 45 Luật Khiếu nại 2011 bao gồm:

- Người giải quyết khiếu nại;

- Người khiếu nại;

- Người bị khiếu nại;

- Người có quyền, nghĩa vụ liên quan;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

5. Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật theo Điều 46 Luật Khiếu nại 2011 như sau:

- Người giải quyết khiếu nại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp để bảo đảm việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; 

Tổ chức thi hành hoặc chủ trì, phối hợp với tổ chức, cơ quan hữu quan thực hiện biện pháp nhằm khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; kiến nghị cơ quan, tổ chức khác giải quyết những vấn đề liên quan đến việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có).

- Khi quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm sau đây:

+ Cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của mình đã bị quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật xâm phạm;

+ Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết công nhận quyết định hành chính, hành vi hành chính đó đúng pháp luật;

+ Chấp hành quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền để thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền để thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật;

Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật khi được yêu cầu.

>>> Xem thêm: Khiếu nại đất đai là gì? Điều kiện thực hiện quyền khiếu nại đất đai? Thủ tục giải quyết khiếu nại đất đai được thực hiện thế nào?

Mẫu mới nhất Đơn khiếu nại về đất đai như thế nào? Nộp Đơn khiếu nại về đất đai tại cơ quan có thẩm quyền nào?

Người giải quyết khiếu nại có quyền yêu cầu người khiếu nại cung cấp bằng chứng cho rằng quyết định hành chính bị khiếu nại là trái pháp luật hay không?

Quốc Đạt

Chia sẻ bài viết lên facebook 30,484

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079