Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 13 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định tàu bay là thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí, bao gồm: máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị bay khác.
(Trừ thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí phản lại từ bề mặt trái đất.)
Căn cứ quy định nêu trên, tàu bay bao gồm nhiều thiết bị bay khác nhau, trong đó có máy bay. Máy bay được xem là một trong những loại tàu bay thông dụng nhất hiện nay.
Tàu bay là gì? Tàu bay có phải máy bay không? (Hình từ Internet)
Khoản 2 Điều 13 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, tàu bay đăng ký mang quốc tịch Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Chưa có quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào hoặc đã xóa quốc tịch nước ngoài;
- Có giấy tờ hợp pháp chứng minh về sở hữu tàu bay;
- Phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc công nhận.
Lưu ý:
Tàu bay đang trong giai đoạn chế tạo, lắp ráp hoặc thử nghiệm tại Việt Nam được tạm thời đăng ký mang quốc tịch Việt Nam nếu đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 13 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
Tàu bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam và do tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác phải đăng ký mang quốc tịch Việt Nam, trong trường hợp là cá nhân thì cá nhân phải thường trú tại Việt Nam.
Tàu bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài do tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê theo hình thức thuê không có tổ bay, thuê mua được đăng ký mang quốc tịch Việt Nam theo quy định của Chính phủ.
Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam được mở công khai và ghi các thông tin về đăng ký quốc tịch tàu bay. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu được cấp trích lục hoặc bản sao từ Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam và phải nộp lệ phí.
Tàu bay mang quốc tịch Việt Nam từ thời điểm ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay.
Người đề nghị đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam phải nộp lệ phí.
Tàu bay bị xoá đăng ký quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp quy định tại Điều 14 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 (sửa đổi bởi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi 2014), bao gồm:
- Bị tuyên bố mất tích theo quy định tại khoản 3 Điều 103 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006;
- Hư hỏng nặng không còn khả năng sửa chữa, phục hồi;
- Không còn đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006;
- Theo đề nghị của người đăng ký tàu bay, chủ sở hữu tàu bay, người nhận giao dịch bảo đảm, người cho thuê hoặc người bán tàu bay có điều kiện.
Căn cứ Điều 17 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, tàu bay chỉ được phép khai thác trong vùng trời Việt Nam khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay còn hiệu lực do Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận.
Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay được cấp khi tàu bay có đủ các điều kiện sau đây:
- Tàu bay phù hợp với Giấy chứng nhận loại tương ứng;
- Có đầy đủ trang bị, thiết bị bảo đảm an toàn;
- Được khai thác, bảo dưỡng theo đúng chế độ quy định;
- Ở trạng thái phù hợp với mục đích khai thác dự kiến.
Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay phải nộp lệ phí.
Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của tàu bay mang quốc tịch nước ngoài được công nhận với điều kiện việc cấp giấy chứng nhận đó phù hợp với tiêu chuẩn mà Việt Nam quy định hoặc công nhận.
Như Mai