Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025: Các công ty phải công bố khi nào? (Hình từ internet)
Theo Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH năm 2024 về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo để các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và những người sử dụng lao động khác thực hiện lịch nghỉ tết Âm lịch.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra 03 phương án nghỉ Tết Âm lịch 2025 cho người sử dụng lao động quyết định đối với người lao động (làm việc tại khu vực tư nhân) như sau:
- Phương án 1: 1 ngày cuối năm Giáp Thìn và 4 ngày đầu năm Ất Tỵ (tức là nghỉ từ ngày 28/1 đến hết ngày 1/2/2025).
- Phương án 2: 2 ngày cuối năm Giáp Thìn và 3 ngày đầu năm Ất Tỵ (tức là nghỉ từ ngày 27/1 đến hết ngày 31/1/2025).
- Phương án 3: 3 ngày cuối năm Giáp Thìn và 2 ngày đầu năm Ất Tỵ (tức là nghỉ từ ngày 26/1 đến hết ngày 30/1/2025).
Đồng thời, người sử dụng lao động phải Thông báo phương án nghỉ tết Âm lịch 2025 cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ tết Âm lịch 2025 cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức.
Như vậy, các công ty phải công bố lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 cho người lao động biết trước ít nhất 30 ngày trước khi thực hiện phương án nghỉ tết.
Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
+ Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;
+ Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019.
- Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
+ Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
+ Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
+ Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Lưu ý: Mức phạt nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Như vậy, theo quy định nêu trên, công ty có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ Tết sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng.
Do đó, trường hợp công ty chậm công bố lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 cho người lao động biết có thể bị xử phạt theo quy định nêu trên.