Chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi xe xăng tại Hà Nội được ban hành trước 30/9/2025 (Hình từ internet)
Đây là nội dung Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ngoài việc triển khai các nhiệm vụ chung, tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị như sau:
- Lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong Quý III/2025) và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.
- Cân đối, bố trí ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2030 để tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện. Triển khai thực hiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo đúng tinh thần của Nghị quyết 188/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội.
- Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng (Ban hành trước ngày 30/9/2025).
Như vậy, dự kiến chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi xe xăng tại Hà Nội sẽ được ban hành trước ngày 30/9/2025.
Trước đó tại Thông báo 8/TB-VPCP ngày 08/01/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận như sau:
Chuyển đổi xanh nền kinh tế, chuyển đổi xanh phương tiện giao thông trong bối cảnh ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động giao thông đã trở nên bức xúc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân tại một số đô thị; việc chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm phát thải khí các- bon và khí mê-tan.
Trong thời gian qua, các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các địa phương đã cơ bản triển khai các nhiệm vụ được giao, bước đầu góp phần tích cực tạo tiền đề để chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang sử dụng năng lượng xanh. Tuy nhiên, việc triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa có trọng tâm, chưa tạo được kết quả rõ nét.
Để đạt được mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách khuyến khích các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông xanh để thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng chính sách chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh tại địa phương; đặc biệt, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương ban hành chính sách để kiểm soát phương tiện giao thông, bảo vệ môi trường, có giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông tại khu vực, địa bàn có mức ô nhiễm cao.