Đẩy nhanh xây dựng hệ thống giao thông công cộng theo Chỉ thị 20/CT-TTg (Hình từ Internet)
Tại Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2025, để giải quyết có hiệu quả rõ nét tình trạng ô nhiễm môi trường, thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về môi trường, phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển bền vững, tạo tiền đề đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới, cùng với việc thực hiện các kết luận, nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ Xây dựng tập trung thực hiện có lộ trình cụ thể trong năm 2025 và các năm tiếp theo các giải pháp đẩy nhanh xây dựng hệ thống giao thông công cộng, hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn, thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, khẩn trương hoàn thiện, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Thực hiện từ Quý III/2025).
Chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung các quy định để thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông (Hoàn thành trong Quý III/2025); rà soát tổng thể và bảo đảm có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động liên quan đến phát triển giao thông xanh (Hoàn thành trong Quý IV/2025)
Cụ thể tại Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2025, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị với lộ trình cụ thể như sau:
- Lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong Quý III/2025) và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.
- Cân đối, bố trí ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2030 để tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện. Triển khai thực hiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo đúng tinh thần của Nghị quyết 188/2025/QH15.
- Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng (Ban hành trước ngày 30/9/2025).
- Nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (Xây dựng lộ trình cụ thể từ Quý III/2025 và điều chỉnh hằng năm).
- Thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 01 tháng 7 năm 2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Xem thêm tại Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2025.
Quốc hội thông qua Luật đường sắt 2025, có hiệu lực từ 01/01/2026.
Theo Luật đường sắt 2025, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Transit-Oriented Development, gọi tắt là TOD) là giải pháp quy hoạch, đầu tư cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, lấy điểm kết nối giao thông đường sắt làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng.
Dự án đường sắt địa phương theo mô hình TOD là dự án đầu tư được lập cho toàn tuyến hoặc một phần tuyến đường sắt địa phương kết hợp với đầu tư phát triển đô thị trong khu vực TOD.
Theo Điều 25 Luật đường sắt 2025 phát triển đô thị theo mô hình TOD đối với đường sắt được quy định như sau:
(1) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khu vực TOD đối với đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương, phương án tuyến công trình, vị trí công trình, tổng mặt bằng tuyến đối với đường sắt địa phương và có thẩm quyền:
- Quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, chức năng sử dụng các khu đất, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch xây dựng trong khu vực TOD khác với quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng nhưng phải bảo đảm không vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực TOD và vùng phụ cận;
- Quyết định phạm vi khu vực TOD và nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện khác với quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan. Sau khi phê duyệt quy hoạch khu vực TOD, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch khác có liên quan phải được kịp thời cập nhật và công bố;
- Trường hợp quy hoạch chung của thành phố trực thuộc trung ương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố căn cứ quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt để tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án tuyến công trình, vị trí công trình, tổng mặt bằng tuyến, quy hoạch khu vực TOD.
(2) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch khu vực TOD tạo quỹ đất đấu giá theo quy định của pháp luật.
(3) Số tiền thu được từ khai thác quỹ đất khu vực TOD:
- Đối với đường sắt quốc gia, sau khi trừ đi chi phí tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu vực TOD và chi phí khác có liên quan theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cấp tỉnh được giữ lại 50% nộp vào ngân sách địa phương và 50% nộp vào ngân sách trung ương;
- Đối với đường sắt địa phương, chính quyền địa phương cấp tỉnh được giữ lại 100% nộp vào ngân sách địa phương.
(4) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nội dung mục (1).
Xem thêm tại Luật đường sắt 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026.