Hướng dẫn sử dụng tài sản công để liên doanh liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập từ 01/7/2025

12/07/2025 13:59 PM

Chính phủ ban hành Nghị định 186/2025/NĐ-CP. Theo đó quy định việc sử dụng tài sản công để liên doanh liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Hướng dẫn sử dụng tài sản công để liên doanh liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập

Hướng dẫn sử dụng tài sản công để liên doanh liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập (Hình từ Internet)

Hướng dẫn sử dụng tài sản công để liên doanh liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập

Tại Nghị định 186/2025/NĐ-CP, Chính phủ hướng dẫn việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết đã được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công như sau:

(1) Tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước (khoản 1 Điều 58 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) được quy định chi tiết như sau:

- Tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất theo thiết kế.

- Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để liên doanh, liên kết mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.

- Việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao được xác định như sau:

+ Sử dụng tài sản công trong thời gian không phải thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao.

+ Thời gian, cường độ sử dụng tài sản phải cao hơn khi chưa thực hiện kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

+ Cung cấp được nhiều dịch vụ công hơn cho xã hội.

(2) Căn cứ Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt (quy định tại Điều 52 Nghị định 186/2025/NĐ-CP), đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm:

- Quyết định cụ thể việc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết.

- Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá hoặc thuê doanh nghiệp thẩm định giá để thẩm định giá làm cơ sở quyết định giá trị tài sản công sử dụng vào liên doanh, liên kết trong trường hợp thực hiện liên doanh, liên kết theo hình thức hình thành pháp nhân mới. Việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá được thực hiện theo pháp luật về giá. Việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Tổ chức lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết theo quy định tại (3) và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

(3) Lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết:

- Sau khi có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, đơn vị sự nghiệp công lập thông báo công khai về việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết trên Trang thông tin của đơn vị (nếu có), Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Trang thông tin điện tử về tài sản công của Bộ Tài chính. Thông báo công khai về việc lựa chọn đối tác gồm các nội dung chủ yếu sau:

+ Thông tin của đơn vị có tài sản liên doanh, liên kết;

+ Tài sản dự kiến liên doanh, liên kết;

+ Phương án liên doanh, liên kết;

+ Tiêu chí lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết theo quy định bên dưới (*);

+ Thời gian, địa điểm nộp hồ sơ đăng ký.

- Đơn vị có tài sản căn cứ hồ sơ đăng ký tham gia liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân và tiêu chí để lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn của mình.

Trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng tài sản của mình để góp vốn liên doanh, liên kết với đơn vị sự nghiệp công lập thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thuê doanh nghiệp thẩm định giá để xác định giá trị tài sản đó trước khi nộp hồ sơ đăng ký tham gia liên doanh, liên kết. Hồ sơ đăng ký tham gia liên doanh, liên kết gồm:

+ Văn bản đề nghị tham gia liên doanh, liên kết của tổ chức, cá nhân: 01 bản chính;

+ Phương án liên doanh, liên kết (trong đó có nội dung về xử lý tài sản sau khi kết thúc thời hạn liên doanh, liên kết) kèm theo phương án tài chính của việc liên doanh, liên kết: 01 bản chính;

+ Hồ sơ chứng minh năng lực, kinh nghiệm của tổ chức, cá nhân phù hợp với lĩnh vực liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết hoặc văn bản cam kết về khả năng đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết: 01 bản sao;

+ Chứng thư thẩm định giá (trong trường hợp sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân để liên doanh, liên kết): 01 bản sao;

+ Các hồ sơ khác có liên quan (nếu có): 01 bản sao.

- (*) Tiêu chí lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết bao gồm:

+ Năng lực, kinh nghiệm của đối tác trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết hoặc khả năng đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết;

+ Hiệu quả của phương án tài chính;

+ Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết của đối tác bảo đảm cho việc liên doanh, liên kết (cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có hoặc nguồn tài chính bảo đảm cho việc đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản để phục vụ cho việc liên doanh, liên kết);

+ Phương án xử lý tài sản sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết;

+ Các tiêu chí khác phù hợp với mục đích liên doanh, liên kết, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị do đơn vị có tài sản công quyết định.

(4) Các hình thức sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết:

- Hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới, các bên sử dụng tài sản của mình để thực hiện liên doanh, liên kết và tự quản lý, sử dụng tài sản của mình, tự bảo đảm các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động và được chia kết quả từ hoạt động liên doanh, liên kết theo hợp đồng.

- Hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới, các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng góp tài sản hoặc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết; các tài sản này được các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng kiểm soát việc quản lý, sử dụng.

- Hình thức liên doanh, liên kết hình thành pháp nhân mới, các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng góp tài sản hoặc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết; pháp nhân mới có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và hợp đồng liên doanh, liên kết.

(5) Quản lý, sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết:

- Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện liên doanh, liên kết theo hình thức không thành lập pháp nhân mới, việc quản lý, sử dụng tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập tham gia liên doanh, liên kết thực hiện theo quy định và hợp đồng liên doanh, liên kết.

- Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện liên doanh, liên kết theo hình thức liên kết không thành lập pháp nhân mới, các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng góp tài sản hoặc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết, việc quản lý, sử dụng tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi góp vốn được thực hiện theo hợp đồng liên doanh, liên kết.

- Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện liên doanh, liên kết theo hình thức hình thành pháp nhân mới, tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng để góp vốn liên doanh, liên kết do pháp nhân mới quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan.

(6) Đối với tài sản tham gia liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập và tài sản hình thành thông qua hoạt động liên doanh, liên kết là quyền sử dụng đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất sau khi kết thúc liên doanh, liên kết (bao gồm cả trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn) thì phải chuyển giao không bồi hoàn cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng. Trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập liên doanh, liên kết với nhau thì tại hợp đồng liên doanh, liên kết phải xác định cụ thể việc phân chia quyền quản lý, sử dụng đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất hình thành thông qua hoạt động liên doanh, liên kết để làm cơ sở xử lý sau khi kết thúc liên doanh, liên kết.

Đối với các tài sản khác sau khi kết thúc liên doanh, liên kết (bao gồm cả trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn) được xử lý theo nguyên tắc sau:

- Đối với tài sản tham gia liên doanh, liên kết theo hình thức không thành lập pháp nhân mới, sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết, đơn vị tiếp tục quản lý, sử dụng hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định.

- Đối với tài sản liên doanh, liên kết theo hình thức không thành lập pháp nhân mới, các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng góp tài sản hoặc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết, sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết được xử lý theo nguyên tắc tài sản của bên nào đưa vào liên doanh, liên kết thì thuộc về bên đó; đối với tài sản hình thành trong quá trình liên doanh, liên kết thì phần tài sản thuộc về mỗi bên được xác định tương ứng với giá trị vốn góp khi đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết.

- Đối với các tài sản được hình thành thông qua hoạt động liên doanh, liên kết theo hình thức hình thành pháp nhân mới, sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết, các tài sản này được chia cho các bên tham gia liên doanh, liên kết theo tỷ lệ đóng góp của mỗi bên; trường hợp không chia được bằng hiện vật thì thực hiện bán cho các bên còn lại trong liên doanh theo giá thị trường; trường hợp các bên liên doanh không mua thì thực hiện bán theo hình thức đấu giá; giá mua/bán tài sản của các bên trong liên doanh do các bên thống nhất thuê doanh nghiệp thẩm định giá xác định.

- Trường hợp các bên tham gia trong liên doanh, liên kết tự nguyện chuyển giao không bồi hoàn cho đơn vị sự nghiệp công lập thì đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm quản lý, sử dụng theo quy định.

(7) Việc chấm dứt hợp đồng liên doanh, liên kết trước thời hạn và xử lý các vấn đề liên quan thực hiện theo hợp đồng và pháp luật về dân sự. Việc xử lý tài sản tham gia liên doanh, liên kết và tài sản được hình thành thông qua hoạt động liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định tại (6).

(8) Chi phí hợp lý có liên quan đến việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết gồm:

- Chi phí khấu hao tài sản cố định.

- Chi phí định giá, thẩm định giá, đấu giá tài sản; chi phí lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết.

- Chi phí quản lý, vận hành tài sản trong thời gian liên doanh, liên kết.

- Chi phí hợp lý khác có liên quan.

(9) Số tiền thu được từ việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, sau khi chi trả các chi phí hợp lý có liên quan, trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có), thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, phần được chia còn lại của đơn vị sự nghiệp công lập được quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trên đây là nội dung Hướng dẫn sử dụng tài sản công để liên doanh liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079