Tòa áp dụng tập quán: Phải rõ ràng

09/05/2015 07:58 AM

Tại phiên họp báo cáo thẩm tra dự án BLDS (sửa đổi) do Ủy ban Tư pháp tổ chức tại Đà Nẵng, đại diện Ủy ban Pháp luật lưu ý cần làm rõ việc tòa áp dụng tập quán, tương tự pháp luật… trong trường hợp chưa có điều luật...

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng. Trong trường hợp không có luật thì trước hết ưu tiên áp dụng sự thỏa thuận của các chủ thể. Nếu chủ thể không thỏa thuận được thì áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết.

Tập hợp, hệ thống, phân loại tập quán?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long nhận xét các quy định trên rất tiến bộ để đảm bảo quyền con người. Tuy nhiên, vẫn còn những điều cần làm rõ về việc áp dụng tập quán, pháp luật tương tự, lẽ công bằng.

Cụ thể, dự thảo cho phép tòa áp dụng tập quán nhưng đó là tập quán gì, ở đâu, của ai… thì chưa rõ. Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu và quy định cụ thể hơn trong những điều luật quy định về tập quán, xác định trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tập hợp, hệ thống và phân loại rõ các tập quán để dễ áp dụng.

Cạnh đó, dự thảo cũng chưa giải thích được thế nào là áp dụng tương tự pháp luật hay lẽ công bằng trong xét xử. “Nếu chỉ quy định chung chung thì sẽ khó đảm bảo tính khách quan, công bằng” - ông Long nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng băn khoăn: “Có nơi có tập quán là con cái mang họ mẹ hay khi ly hôn, người đàn ông không được lấy bất kỳ tài sản nào… Vậy các tập quán đó có được pháp luật thừa nhận không?”.

Khoản 1 Điều 5 dự thảo ghi nhận: “Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự, được thừa nhận và áp dụng một cách rộng rãi, lặp đi lặp lại một thời gian dài trong một lĩnh vực dân sự cụ thể mà không được quy định trong pháp luật”. Theo ông Thuyền, tập quán phải do cơ quan nhà nước quy định và cần làm rõ tập quán nào được pháp luật thừa nhận, tập quán nào không. Đồng thời khái niệm về tập quán cần khái quát, đầy đủ, cần làm rõ là khi có xung đột về nội dung thì áp dụng tập quán nào. Có như vậy thì tòa mới áp dụng một cách chính xác, dễ dàng, tránh tùy tiện.

Thừa nhận việc chuyển đổi giới tính?

Một vấn đề mới trong dự thảo là thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, thể hiện tại khoản 3 Điều 36: “Cá nhân là người chưa thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được thực hiện quyền xác định lại giới tính trong trường hợp luật định. Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được thực hiện quyền xác định lại giới tính trong trường hợp luật định thông qua cha, mẹ, hoặc người đại diện theo pháp luật”.

“Việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính liên quan đến quyền nhân thân của cá nhân, kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh. Luật công nhận việc chuyển giới thì có công nhận hôn nhân đồng tính hay không?” - ông Trần Đình Long đặt câu hỏi. Theo ông Long, nếu thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính thì sẽ cần phải sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hộ tịch, trong khi hai luật này mới được Quốc hội thông qua.

Ông Đinh Trung Tụng cho biết vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều trong việc có nên công nhận chuyển đổi giới tính hay không. Thực tế cũng chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng người chuyển đổi giới tính hoặc có nhu cầu chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, đây là một nhu cầu có thật và đang gia tăng. Vì pháp luật nước ta chưa cho phép chuyển đổi giới tính nên một số người đã ra nước ngoài thực hiện. Khi về nước, họ không được cải chính hộ tịch nên gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế để duy trì giới tính mới cũng như trong công việc, sinh hoạt. Từ đó, ông Tụng bảo vệ quan điểm là đã đến lúc nên bổ sung quy định mang tính chính sách chung của Nhà nước về vấn đề này vào BLDS.

Giao dịch phải tuân thủ hình thức

Theo quy định hiện hành, trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn, quá thời hạn mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.

Điều 130 dự thảo đã sửa đổi như sau: Nếu giao dịch đã được thực hiện một phần hoặc toàn bộ thì vẫn được tòa công nhận là có hiệu lực. Lúc này quyết định của tòa sẽ thay thế các thủ tục về văn bản, công chứng, chứng thực để ràng buộc các cơ quan, tổ chức có liên quan hoàn thiện thủ tục đối với tài sản để công nhận quyền của các bên trong giao dịch.

Ông Trần Đình Long nhận xét: Dự thảo mở rộng như vậy sẽ khó đảm bảo tính pháp chế, sự nghiêm minh của pháp luật, có thể làm gia tăng các giao dịch không tuân thủ hình thức, từ đó phát sinh rủi ro và tranh chấp dân sự.

DƯƠNG HẰNG

Theo Pháp luật TP.HCM

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,040

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079