Quy định về diện tích khu vực thăm dò khoáng sản từ ngày 01/7/2025 (Hình từ internet)
Luật Địa chất và khoáng sản 2024 quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về đối tượng áp dụng, Luật Địa chất và khoáng sản 2024 không áp dụng đối với:
- Dầu khí; các loại nước thiên nhiên không phải là nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên;
- Hoạt động chế biến khoáng sản không gắn với dự án đầu tư khai thác khoáng sản để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.
Trong đó, tại Điều 41 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 đã quy định diện tích khu vực thăm dò khoáng sản, cụ thể:
(1) Trừ trường hợp quy định tại (3), diện tích khu vực thăm dò của 01 giấy phép đối với loại hoặc nhóm khoáng sản, được quy định như sau:
- Không quá 100 kilômét vuông (km2) đối với than, bôxít;
- Không quá 50 kilômét vuông (km2) đối với đá quý, đá bán quý, khoáng sản kim loại, trừ bôxít;
- Không quá 10 kilômét vuông (km2) đối với khoáng sản phi kim loại ở đất liền, trừ khoáng sản nhóm III;
- Không quá 200 kilômét vuông (km2) đối với khoáng sản ở vùng biển, trừ khoáng sản nhóm III. Trường hợp đặc biệt cần diện tích lớn hơn, Thủ tướng Chính phủ quyết định;
- Không quá 02 kilômét vuông (km2) ở đất liền, không quá 30 kilômét vuông (km2) ở khu vực biển đối với khoáng sản nhóm III, trừ nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên;
- Diện tích khu vực thăm dò đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên được xác định theo đề án thăm dò.
(2) Mức sâu thăm dò phải bảo đảm khống chế hết thân khoáng sản và các cấu trúc địa chất có triển vọng đối với loại khoáng sản dự kiến thăm dò theo đề án thăm dò khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
(3) Trường hợp thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng theo thỏa thuận trong hiệp định liên Chính phủ, diện tích khu vực thăm dò khoáng sản được thực hiện theo hiệp định.
(1) Giấy phép thăm dò khoáng sản phải thể hiện các thông tin về tên tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản, địa danh khu vực, nội dung giấy phép và các yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản.
(2) Nội dung giấy phép thăm dò khoáng sản bao gồm:
- Loại khoáng sản; vị trí, diện tích khu vực thăm dò khoáng sản;
- Phương pháp, khối lượng thăm dò khoáng sản;
- Thời hạn thăm dò khoáng sản.
(3) Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản bao gồm:
- Nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ khác có liên quan theo quy định của pháp luật;
- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép và các yêu cầu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.
(4) Thời hạn thăm dò khoáng sản quy định trong giấy phép thăm dò khoáng sản bao gồm thời gian thực hiện đề án thăm dò khoáng sản, thời gian lập báo cáo kết quả thăm dò được thực hiện như sau:
(4.1) Không quá 48 tháng và có thể được gia hạn không quá 02 lần với tổng thời gian gia hạn không quá 24 tháng, trừ trường hợp quy định tại (4.2);
(4.2) Trường hợp hết thời hạn thăm dò theo quy định tại (4.1), tổ chức, cá nhân chưa hoàn thành thi công khối lượng công việc theo đề án thăm dò khoáng sản vì sự kiện bất khả kháng, giấy phép thăm dò khoáng sản được xem xét cấp lại theo quy định của Luật Địa chất và khoáng sản 2024 nhưng không quá thời gian quy định tại (4.1);
(4.3) Trường hợp tổ chức, cá nhân đã thực hiện đầy đủ khối lượng công tác thăm dò theo đề án thăm dò khoáng sản mà giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết thời hạn nhưng phải bổ sung khối lượng công tác thăm dò theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tổ chức, cá nhân phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản chấp thuận trước khi thực hiện;
(4.4) Đối với việc thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng theo hiệp định liên Chính phủ, thời gian thăm dò được thực hiện theo thỏa thuận quy định trong hiệp định.
(5) Chính phủ quy định chi tiết điểm (4.3).
(6) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu giấy phép thăm dò khoáng sản.
(Điều 44 Luật Địa chất và khoáng sản 2024)
Xem thêm tại Luật Địa chất và khoáng sản 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.