Nghiên cứu phương án không tổ chức Hội đồng nhân dân xã (Hình từ Internet)
Ngày 17/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 240/NQ-CP Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2024
Cụ thể, về Đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chính phủ đánh giá cao Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật và trình Chính phủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, trong đó lưu ý:
- Rà soát, bám sát chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chú trọng truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận. Tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong quá trình xây dựng dự án Luật;
(1) Đối với Chính sách 1: Phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương:
Cơ bản thống nhất với mục tiêu của chính sách. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không có thẩm quyền quyết định việc phân quyền, do đó Bộ Nội vụ cần tiếp tục rà soát, xác định nội dung chính sách phù hợp; đồng thời xác định phạm vi phân cấp, phân quyền tại Luật này bảo đảm thống nhất với việc quy định về phân cấp, phân quyền trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
(2) Đối với Chính sách 2: Xác định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp:
Cơ bản thống nhất mục tiêu, nội dung của chính sách. Việc xây dựng nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, tránh chồng chéo trùng lắp nhằm triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và khả năng quản lý, điều hành của từng cấp chính quyền địa phương.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý vướng mắc, bất cập liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, bảo đảm khả thi, phù hợp với thẩm quyền các cơ quan, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
(3) Đối với Chính sách 3: Xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt:
Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách. Việc chọn chính sách này là cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về xây dựng mô hình chính quyền phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu các mô hình tổ chức chính quyền địa phương, trong đó đánh giá thực tiễn triển khai thí điểm trong thời gian qua, đề xuất các mô hình bảo đảm khả thi, hoạt động hiệu quả.
(4) Về Chính sách 4: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp:
Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách. Bộ Nội vụ nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi của phương án không tổ chức cấp chính quyền địa phương ở xã (không tổ chức Hội đồng nhân dân xã), nhất là quyền đại diện của Nhân dân và hiệu quả của bộ máy chính quyền cơ sở.
(5) Về Chính sách 5: Tổ chức đơn vị hành chính, thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính: Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách. Việc hoàn thiện quy định về địa giới hành chính trong dự án Luật là phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; gửi Bộ Tư pháp tổng hợp.
Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội để Quốc hội thảo luận thông qua tại 01 kỳ họp.
Xem thêm tại Nghị quyết 240/NQ-CP ngày 17/12/2024.