Đề án sáp nhập xã của 63 tỉnh thành phố trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 01/05/2025 (Hình từ internet)
Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 3, triển khai nhiệm vụ công tác quý II và tháng 4, diễn ra chiều ngày 01/4/2025 tại Trụ sở Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chia sẻ thông tin về lộ trình thực hiện sáp nhập tỉnh mới nhất như sau:
- Ngày 16/4/2025, Bộ Chính trị sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (dự kiến). Hội nghị cũng sẽ xác định một số nhiệm vụ trong sắp xếp lại Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tòa án, viện kiểm sát.
- Ngày 01/5/2025, 63 tỉnh, thành phố gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cùng thời điểm.
- Ngày 01/7 là mốc để chính quyền cấp xã bắt đầu vận hành, ngày 30/8 là thời điểm toàn bộ hệ thống chính trị sau khi sắp xếp và tổ chức lại sẽ chính thức đi vào hoạt động đồng bộ
Như vậy, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì đề án sáp nhập xã và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (bỏ cấp huyện) của 63 tỉnh thành phố sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 01/05/2025.
Trước đó, theo Công văn 43-CV/BCĐ ngày 20/3/2025 thì lộ trình sáp nhập tỉnh thành và sáp nhập xã và không tổ chức cấp huyện đã có sự thay đổi theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo).
Sau đây là cập nhật lộ trình sáp nhập tỉnh thành và sáp nhập xã mới nhất theo Công văn 43-CV/BCĐ ngày 20/3/2025:
Thời gian |
Nội dung thực hiện |
Trước ngày 25/03 |
Đảng ủy Chính phủ tiếp thu ý kiến các địa phương, cơ quan, đơn vị, hoàn thiện Tờ trình, Đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp báo cáo Bộ Chính trị. |
Trước ngày 01/04 |
Đảng ủy Chính phủ tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, hoàn thiện Tờ trình, Đề án và gửi tài liệu báo cáo Ban Chấp hành Trung ương. |
Trước ngày 15/04 |
Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo: (i) Hướng dẫn việc xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã (chức năng, nhiệm vụ cụ thể, tổ chức bộ máy, biên chế; bố trí cán bộ, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ; xử lý tài sản, trụ sở…). (ii) Chỉ đạo Đảng ủy các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp bảo đảm kịp thời, đồng bộ, cụ thể, thuận lợi cho việc xây dựng đề án và tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. |
Trước ngày 25/04 |
Ban Tổ chức Trung ương tham mưu ban hành Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 11 về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. |
Trước ngày 30/06 |
* Đảng ủy Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo: - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. - Quốc hội thông qua nghị quyết sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. * Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương - Xây dựng đề án chi tiết không tổ chức cấp huyện, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã (lưu ý quan tâm bố trí cán bộ, trụ sở, phương tiện, trang thiết bị). - Phối hợp với các ban Đảng ở Trung ương, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương triển khai phương án sáp nhập tỉnh. |
Ngày 01/07 |
Vận hành đơn vị cấp xã theo tổ chức mới. |
Ngày 01/09 |
Vận hành đơn vị cấp tỉnh mới sau sáp nhập. |
Theo đó, nội dung tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một số ý kiến về tổ chức lại không gian phát triển kinh tế - xã hội như sau:
Bộ Chính trị đang xây dựng nội dung để trình Trung ương "Đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã"; "Đề án sắp xếp lại các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng được Đảng- Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam"; "Chủ trương sửa đổi Hiến pháp 2013"... và sau đó là xin ý kiến nhân dân.
Theo Tổng Bí thư, dự kiến cơ cấu lại bộ máy tổ chức hành chính 3 cấp gồm: cấp trung ương, cấp tỉnh, thành phố và cấp xã, phường.
Theo dự kiến, tính toán ban đầu sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện; và tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Cơ cấu tổ chức này hướng đến mục tiêu chính quyền, cán bộ gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.