Tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (dự kiến) (Hình ảnh từ Internet)
Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, cập nhật ngày 10/4/2025 (sau đây gọi tắt là dự thảo Luật sửa đổi).
![]() |
Dự thảo Luật sửa đổi |
Cụ thể, tại khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 48 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định về Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau:
“Số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không ít hơn 23 người và không quá 27 người; gồm Chánh án, các Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”
Hiện hành, tại khoản 1 Điều 48 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không ít hơn 13 người và không quá 17 người; gồm Chánh án, các Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Như vậy, tại dự thảo Luật sửa đổi đã đề xuất tăng số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13 (tối thiểu) đến 17 người (tối đa) lên thành từ 23 (tối thiểu) đến 27 người (tối đa) để đảm bảo đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ Tòa án nhân dân cấp cao chuyển về theo đúng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội.
Theo đó, việc việc đề xuất tăng số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ phải bảo đảm tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới trong Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Tại khoản 3 Điều 48 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật;
- Tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; ban hành nghị quyết hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử;
- Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của luật;
- Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ;
- Thảo luận, góp ý kiến đối với báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của Tòa án nhân dân để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước;
- Tham gia ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Tòa án nhân dân tối cao xây dựng;
- Thảo luận, góp ý kiến đối với dự thảo thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, dự thảo thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ theo quy định của luật.
Xem thêm dự thảo Luật sửa đổi.