Đề xuất bỏ quy định về ngạch công chức (Hình từ Internet)
Theo Tờ trình Dự thảo Luật Cán bộ công chức, Bộ Nội vụ đề xuất chính sách đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Theo đó, đề xuất bỏ quy định về ngạch công chức. Cụ thể:
-Mục tiêu của chính sách: Đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức từ kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm cơ sở để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; đồng thời, tạo cơ chế cạnh tranh theo vị trí việc làm dựa trên kết quả công việc, hướng tới nền công vụ thực tài.
-Giải pháp thực hiện:
+ Nghiên cứu, sửa đổi quy định về vị trí việc làm gắn với yêu cầu của ngành, lĩnh vực; từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức; hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng và trả lương đối với cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
+ Nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí việc làm thực thi, thừa hành do công chức đảm nhiệm để tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt đối với cơ quan hành chính có nguồn thu theo quy định của pháp luật.
Vị trí việc làm và phân loại vị trí việc làm cán bộ công chức
Theo Điều 11 Dự thảo Luật Cán bộ công chức. Khái niệm vị trí việc làm và phân loại vị trí việc làm như sau:
(1) Khái niệm vị trí việc làm có 2 phương án, gồm:
Phương án 1: Vị trí việc làm là tên gọi xác định nhiệm vụ của công việc cụ thể gắn với chức danh chuyên môn nghiệp vụ hoặc chức vụ lãnh đạo, quản lý, được xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị, là căn cứ để thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ.
Phương án 2: Vị trí việc làm là tên gọi chức danh công chức chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chức vụ lãnh đạo, quản lý, gắn với công việc và vị trí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền và kết quả, sản phẩm cụ thể.
(2) Cấu trúc của vị trí việc làm: Tên gọi; bản mô tả công việc; trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn; khung năng lực (kiến thức, kỹ năng, khả năng đáp ứng công việc,…).
(3) Phân loại vị trí việc làm
- Vị trí việc làm cán bộ;
- Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý;
- Vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ;
- Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
(4) Nguyên tắc xác định vị trí việc làm
- Phù hợp với tổ chức bộ máy, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng;
- Bảo đảm khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn;
- Bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Theo Điều 12 Dự thảo Luật Cán bộ công chức, căn cứ xác định vị trí việc làm như sau:
(i) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
(ii) Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
(iii) Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số;
(iv) Ngoài quy định (ii) và (iii), các cơ quan, tổ chức ở địa phương căn cứ vào vị trí địa lý; tính chất, quy mô, cơ cấu dân số; tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tình hình an ninh - trật tự của địa phương.
Xem thêm tại Dự thảo Luật Cán bộ công chức.
Lê Quang Nhật Minh