Nguyên tắc đặt tên xã phường sau sáp nhập theo Kết luận 137/KL-TW (Hình từ Internet)
Ngày 28/3/2025, Bộ Chính trị và Ban Bí thư ban hành Kết luận 137-KL/TW về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
Trong đó, vấn đề sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã tại Kết luận 137-KL/TW có đề cập đến nguyên tắc đặt tên của đơn vị hành chính cấp cơ sở (cấp xã) sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính như sau:
- Cần dễ nhận diện, ngắn gọn, khoa học;
- Khuyến khích đặt tên theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hoá, cập nhật dữ liệu thông tin;
- Đặt tên của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hoá và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ
Khi tiến hành thực hiện việc sáp nhập xã thì người dân địa phương chịu ảnh hưởng bởi việc sáp nhập này sẽ được lấy ý kiến theo quy định.
Cụ thể, khoản 3 và 4 Điều 10 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 quy định đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến Nhân dân ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính bằng các hình thức phù hợp theo quy định của Chính phủ.
Và sau khi có kết quả lấy ý kiến Nhân dân, cơ quan xây dựng đề án có trách nhiệm hoàn thiện đề án và gửi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở các đơn vị hành chính có liên quan để xem xét, cho ý kiến về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính.
Theo Điều 1 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, quy định đơn vị hành chính của của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh);
- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp huyện);
- Xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã);
- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.
Tùy theo điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đơn vị hành chính cấp huyện tại các đảo, quần đảo (sau đây gọi chung là hải đảo) có thể không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Từ quy định trên, có thể thấy đơn vị hành chính cấp xã là tập hợp tên gọi chung của các đơn vị xã, phường, và thị trấn.
Tính đến ngày 01/02/2025, Việt Nam có 10.053 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 1.724 phường, 617 thị trấn và 7.694 xã.
Theo danh mục thủ tục tại Quyết định 319/QĐ-BNV thành phần, số lượng hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp xã cụ thể như sau:
- Thành phần hồ sơ:
+ Tờ trình về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;
+ Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;
+ Báo cáo đánh giá tác động của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;
+ Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
+ Các hồ sơ, tài liệu, bảng biểu, bản đồ có liên quan khác.
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.
Phạm Việt Trinh