Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI của Chính phủ” (Hình từ Internet)
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 745/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI của Chính phủ”.
Theo đó, quan điểm chỉ đạo của Đề án như sau:
- Bảo đảm công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật bám sát và thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; hướng đến mục tiêu vì con người, vì Nhân dân; tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và bảo đảm ngày càng tốt hơn dân chủ, công bằng, trật tự, kỷ cương xã hội; đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ động nghiên cứu và bám sát những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo các văn kiện Đại hội XIV, nhất là dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIV và dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam để làm tiền đề, cơ sở chính trị cho việc rà soát, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
- Tạo đột phá về thể chế, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sáng kiến tạo phát triển bền vững; xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra; bảo đảm sự bao phủ của pháp luật đối với mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.
- Xác định cụ thể, rõ ràng các định hướng lập pháp và danh mục các nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát và nghiên cứu, sửa đổi, xây dựng mới. Các định hướng, nhiệm vụ lập pháp được xác định là cơ sở quan trọng để các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động nghiên cứu, rà soát, đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết đưa vào Chương trình lập pháp hằng năm và triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI, đồng thời làm tiền đề “gối đầu” chuẩn bị cho nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo.
- Việc xây dựng, trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết phải được nghiên cứu, xem xét thận trọng, chắc chắn, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn, chưa đạt sự đồng thuận cao thì có thể quy định thí điểm việc thực hiện.
- Bảo đảm sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; bảo đảm chất lượng, khả thi, gắn kết chặt chẽ với tăng cường hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
- Bảo đảm tính tương thích, nội luật hóa đầy đủ, kịp thời các cam kết tại các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; kịp thời thích ứng với những biến chuyển nhanh trong hội nhập quốc tế; bảo đảm vừa phù hợp và phát huy lợi thế, thế mạnh trong nước vừa hài hòa, tương thích với các tiêu chuẩn chung của pháp luật quốc tế.
Xem chi tiết tại Quyết định 745/QĐ-TTg
Nguyễn Thị Mỹ Quyền