Toàn văn Quyết định 1137/QĐ-BGDĐT về thủ tục xét thăng hạng với giáo viên từ ngày 24/4/2025 (Hình từ văn bản)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 1137/QĐ-BGDĐT ngày 24/4/2025 về việc công bố thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước lĩnh vực chế độ, chính sách đối với nhà giáo thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Công bố kèm theo Quyết định 1137/QĐ-BGDĐT ngày 24/4/2025 là thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, lĩnh vực chế độ, chính sách đối với nhà nước thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, ban hành kèm theo Quyết định 1137/QĐ-BGDĐT là các thủ tục hành chính như sau:
- Danh mục thủ tục hành chính nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GD&ĐT (nhóm B) gồm: Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) đối với các cơ sở giáo dục đại học, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) đối với cơ sở giáo dục đại học, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I).
- Danh mục thủ tục hành chính nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp chính quyền địa phương (nhóm B) gồm: Xét thăng hạng giáo viên trung học phổ thông hạng II, xét thăng hạng giáo viên trung học phổ thông hạng I, xét thăng hạng giáo viên trung học cơ sở hạng II, xét thăng hạng giáo viên trung học cơ sở hạng I, xét thăng hạng giáo viên tiểu học hạng II, xét thăng hạng giáo viên tiểu học hạng I, xét thăng hạng giáo viên mầm non hạng II, xét thăng hạng giáo viên mầm non hạng I, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I).
Đơn cử, trình tự thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) đối với các cơ sở giáo dục đại học như sau:
- Bước 1: Cơ sở giáo dục đại học có thẩm quyền xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp xây dựng Đề án tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính. Nội dung của Đề án gồm:
+ Số lượng, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp hiện có của đơn vị sự nghiệp công lập; số lượng viên chức ứng với chức danh nghề nghiệp xét thăng hạng còn thiếu theo yêu cầu của vị trí việc làm và đề xuất chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp (theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP);
+ Danh sách viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện được cử xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP);
+ Dự kiến thành viên tham gia Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;
+ Tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:
+ Dự kiến thời gian, địa điểm và các nội dung khác để tổ chức kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
- Bước 2: Cơ sở giáo dục đại học có thẩm quyền xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thành lập Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức phê duyệt kết quả kỳ xét thăng hạng và danh sách viên chức trúng tuyển.
Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức có trách nhiệm thông báo kết quả xét và danh sách viên chức trúng tuyển bằng văn bản tới cơ quan, đơn vị cử viên chức tham dự kỳ xét thăng hạng; đồng thời công khai trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
- Bước 4: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được danh sách viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, người đứng đầu Cơ sở giáo dục đại học có thẩm quyền hoặc người được phân cấp, ủy quyền phải thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương ở chức danh nghề nghiệp mới đối với viên chức trúng tuyển theo quy định,
Trường hợp viên chức đã trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng nhưng sau đó bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị kỷ luật hoặc bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì chưa ra quyết định bổ nhiệm và xếp lương ở chức danh nghề nghiệp trúng tuyển. Khi hết thời hạn xử lý kỷ luật mà không bị kỷ luật hoặc hết thời gian thi hành quyết định kỷ luật hoặc sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền đối với trường hợp bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì căn cứ vào cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt tại thời điểm xem xét, quyết định bổ nhiệm, cấp có thẩm quyền quyết định việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Thời điểm hưởng lương mới, thời gian xét nâng bậc lương lần sau, việc kéo dài thời gian nâng bậc lương (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật.
Xem thêm chi tiết tại Quyết định 1137/QĐ-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 24/4/2025.