Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi Luật có liên quan đến đầu tư, đấu thầu (Hình từ internet)
Ngày 23/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 108/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2025 (Phiên thứ 2).
Theo đó, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu 2023, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, Luật Hải quan 2014, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2024, Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017, Chính phủ có ý kiến như sau:
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, bảo đảm một số yêu cầu sau:
+ Bám sát, thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa và phân bổ nguồn lực đi đôi với giám sát, kiểm tra; cắt giảm, đơn giản hóa triệt để thủ tục hành chính theo Nghị quyết 66/NQ-CP , đẩy mạnh chuyển đổi số, không để chạy chọt, xin - cho; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có tính chất cấp bách trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
+ Rà soát, nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật Đấu thầu 2023 quy định chủ đầu tư quyết định và tự chịu trách nhiệm về việc đấu thầu hay chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu, đồng thời quy trình, thủ tục phải bảo đảm nhanh chóng, không rườm rà như quy định hiện hành; việc thành lập và thành phần của Hội đồng thẩm định cần nghiên cứu để gọn hơn, không quá cồng kềnh, làm mất nhiều thời gian.
+ Rà soát kỹ các nội dung cần có quy định chuyển tiếp tại dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025, tránh tạo khoảng trống pháp lý sau khi Luật này có hiệu lực thi hành.
- Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trong đó nêu rõ: nội dung sửa đổi, hoàn thiện; nội dung bổ sung; nội dung lược bỏ; nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nội dung phân quyền, phân cấp; vấn đề còn ý kiến khác nhau cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền và kiến nghị phương án giải quyết; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong ngày 23/4/2025.
- Phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật này.
Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo nguyên tắc sau:
- Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật và không trái với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tuân thủ đúng thẩm quyền, nội dung, hình thức và trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phòng, chống lợi ích nhóm, cục bộ.
- Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bình đẳng giới; bảo đảm dân chủ, công bằng, nhân đạo, công khai, minh bạch, khoa học, kịp thời, ổn định, khả thi, hiệu quả.
- Bảo đảm việc thực hiện chủ trương phân quyền, phân cấp; giải quyết vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn; vấn đề mới, xu hướng mới; yêu cầu quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Văn bản quy phạm pháp luật quy định thực hiện thí điểm phải xác định thời gian thực hiện thí điểm và phải được sơ kết, tổng kết để xem xét, quyết định việc tiếp tục áp dụng hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng chính thức.
- Bảo đảm thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước đối với nội dung văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
(Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025)