Công văn 1759: Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về cho thuê lại lao động (Hình từ Internet)
Ngày 25/4/2025, Bộ Nội vụ ban hành Công văn 1759/BNV-CLT&BHXH về việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về cho thuê lại lao động.
![]() |
Công văn 1759/BNV-CLT&BHXH |
Trên cơ sở theo dõi, tổng hợp, nắm tình hình thực tiễn về hoạt động cho thuê lại lao động thời gian qua cho thấy hoạt động cho thuê lại lao động đang có xu hướng phát triển và mở rộng hoạt động tại các địa phương, việc tuân thủ quy định pháp luật cho thuê lao động tại một số doanh nghiệp chưa được đầy đủ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Do đó, để đảm bảo hoạt động cho thuê lại lao động và quyền lợi của người lao động thuê lại theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP về điều kiện lao động và quan hệ lao động, Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cho thuê lại lao động trên địa bàn, trong đó tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:
- Thực hiện việc cấp phép và quản lý hoạt động cho thuê lại lao động theo đúng quy định của Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
- Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật về hoạt động cho thuê lại lao động, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, doanh nghiệp trong hoạt động cho thuê lại.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình hoạt động cho thuê lại lao động đối với các doanh nghiệp cho thuê lại và doanh nghiệp thuê lại lao động trên địa bàn, đặc biệt danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động; kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm theo đúng quy định.
- Phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại nhận tiền ký quỹ để cập nhật thường xuyên thông tin ký quỹ doanh nghiệp.
- Đôn đốc doanh nghiệp thực hiện công tác báo cáo định kỳ theo quy định pháp luật.
- Cập nhật thường xuyên các thông tin của doanh nghiệp được cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động biết.
- Gửi thông báo cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động; đồng thời tổng hợp, định kỳ 06 tháng, hằng năm gửi báo cáo về tình hình cho thuê lại lao động về Bộ Nội vụ theo quy định.
Xem thêm tại Công văn 1759/BNV-CLT&BHXH ban hành ngày 25/4/2025.
Nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động theo Điều 53 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.
- Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
+ Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;
+ Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;
+ Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
- Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
+ Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
+ Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
+ Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
- Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.