Phường xã được quản lý những tuyến đường nào trên địa bàn TPHCM? (Hình từ internet)
Quy định quản lý đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Ban hành kèm theo Quyết định 57/2025/QĐ-UBND ngày 15/4/2025 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)
Trong đó, có quy định về trách nhiệm quản lý đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn trên địa bàn TPHCM như sau:
- Phân loại đường (đường địa phương) theo cấp quản lý trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được xác định theo các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch khác có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Cấp Thành phố quản lý các loại đường bao gồm:
+ Đường cao tốc đô thị, đường trục chính đô thị, đường chính đô thị, đường liên khu vực và đường chính khu vực; Đường huyện đi qua hai địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;
+ Các công trình, hạng mục công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ gắn với công trình được giao quản lý.
- Cấp huyện quản lý các loại đường bao gồm:
+ Đường trên địa bàn theo ranh giới hành chính không thuộc phạm vi quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 3 Quyết định 57/2025/QĐ-UBND và toàn bộ vỉa hè trên các tuyến đường theo ranh giới hành chính;
+ Các công trình, hạng mục công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ gắn với công trình được giao quản lý;
+ Riêng đối với trách nhiệm quản lý đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn trên địa bàn thành phố Thủ Đức, tiếp tục tổ chức thực hiện theo cơ chế, chính sách đặc thù như hiện nay cho đến khi Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành chủ trương mới về nội dung này.
- Cấp xã quản lý các loại đường bao gồm:
+ Đường thôn trên địa bàn theo ranh giới hành chính;
+ Các công trình, hạng mục công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ gắn với công trình được giao quản lý.
Như vậy, theo những quy định trên thì phường xã được quản lý những tuyến đường thôn trên địa bàn theo ranh giới hành chính; các công trình, hạng mục công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ gắn với công trình được giao quản lý trên địa bàn TPHCM.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết 60-NQ/TW Hội nghị Trung ương 11 đã thống nhất tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), không tổ chức cấp huyện. Vì vậy thời gian tới sẽ có điều chỉnh thẩm quyền quản lý các loại đường của cấp huyện.
Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 44/2024/NĐ-CP có quy định cơ quan quản lý đường bộ, gồm:
- Cơ quan quản lý đường bộ ở trung ương là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông đường bộ và được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
- Cơ quan quản lý đường bộ cấp tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
- Cơ quan quản lý đường bộ cấp huyện là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
- Cơ quan quản lý đường bộ cấp xã là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã).
Nguyễn Tùng Lâm