Ban hành gần 25 nghị định về phân định thẩm quyền sau thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 07/5/2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ sẽ ban hành khoảng 25 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền.
Sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chính phủ sẽ đồng thời ban hành khoảng 25 nghị định về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp.
Nội dung quan trọng thứ tư là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi chuyển từ mô hình chính quyền 3 cấp sang 2 cấp. Dự luật có 9 nội dung chuyển tiếp nhằm giải quyết toàn diện các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức lại bộ máy.
Về phương thức xử lý các vấn đề phát sinh là phương thức ủy quyền lập pháp. Theo đó, Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ để Chính phủ ban hành các nghị định triển khai thực hiện việc này thì mới kịp được, nhưng sau 2 năm phải sửa đổi toàn diện tất cả các luật có liên quan.
Đây là một cuộc cách mạng, một tư duy đột phá của Quốc hội trong việc ủy quyền lập pháp. Đây cũng là thông lệ quốc tế, nhiều nước xử lý các vấn đề như thế này để tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy cho sự phát triển của quốc gia.
Căn cứ Điều 11 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2024 quy định về việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương như sau:
- Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan nhà nước ở địa phương và của chính quyền địa phương các cấp theo hình thức phân quyền, phân cấp.
- Việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
+ Xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả;
+ Bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương các cấp và giữa các cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền địa phương;
+ Phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khả năng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước cấp trên được bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó;
+ Bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực gắn với trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên; kịp thời điều chỉnh nội dung phân quyền, phân cấp khi cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân quyền, phân cấp thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
+ Bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật;
+ Đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương; ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
+ Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp huyện; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định khác.
- Chính quyền địa phương được chủ động đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về việc phân quyền, phân cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương.
- Việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, các cơ quan của chính quyền địa phương tại các văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với quy định tại Luật này, bảo đảm quyền lực nhà nước được kiểm soát hiệu quả.
Xem thêm nội dung tại Kỳ họp thứ 9.