Phân loại ĐVHC sau sáp nhập tỉnh, sẽ có đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1, 2, 3 (Hình từ Internet)
Theo đó, tại phiên làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 7/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Tham gia thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội: Yên Bái, Đà Nẵng, Bình Dương) về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sửa đổi 02 Dự án Luật đặt ra yêu cầu rất cao trong bối cảnh cấp bách, cấp thiết khi thực hiện cuộc Cách mạng về tinh gọn bộ máy và biên chế; nêu rõ “đây là những căn cứ cơ bản, quan trọng để vận hành toàn bộ nền công vụ của đất nước và chính quyền địa phương các cấp”.
Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) thì Bộ trường Bộ Nội vụ đã có một số ý kiến liên quan đến việc phân loại đơn vị hành chính như sau:
Sắp tới đây sẽ phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm có thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1, 2, 3 để tương ứng với từng điều kiện phát triển, quản trị địa phương. Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Bộ trưởng cho biết sẽ điều chỉnh theo diện tích tự nhiên, dân số của các địa phương, tối thiểu 55 Đại biểu Hội đồng nhân dân và tối đa là 90 Đại biểu Hội đồng nhân dân, phải đạt được cả hai mục tiêu là chất lượng và tinh gọn.
Theo quy định hiện hành thì quy định về đơn vị hành chính được nêu rõ tại Điều 1 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 như sau:
- Đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
+ Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
+ Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);
+ Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);
+ Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.
- Tùy theo điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đơn vị hành chính cấp huyện tại các đảo, quần đảo (sau đây gọi chung là hải đảo) có thể không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Ngoài ra, việc phân loại đơn vị hành chính sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 như sau:
- Phân loại đơn vị hành chính là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của chính quyền địa phương phù hợp với từng loại đơn vị hành chính.
- Phân loại đơn vị hành chính phải dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, miền núi, vùng cao, hải đảo theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên đây là nội dung về “Phân loại ĐVHC sau sáp nhập tỉnh, sẽ có đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1, 2, 3”